Một thập kỷ - điểm đến CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

11:10, 25/11/2020

BHG - Ngày 3.10.2010, tại hòn đảo Levos xinh đẹp của đất nước Hy Lạp, Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC)  Toàn cầu của UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là CVĐC Toàn cầu. Tin vui bay về Việt Nam trong sự hân hoan, bởi đây là CVĐC Toàn cầu đầu tiên của đất nước ta và thứ 2 của khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt nhất là cấp ủy, chính quyền và những người dân mảnh đất địa đầu Tổ quốc đón nhận thông tin này với niềm vui và tự hào khôn tả.

Một góc cua M, huyện Yên Minh
Một góc cua M trên Cao nguyên đá 

Nhớ lại hơn 10 năm trước, khi Cao nguyên đá chưa là thành viên Mạng lưới CVĐC Toàn cầu, Hà Giang chưa trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn như bây giờ. Đã có những bước chân du khách đến đây, nhưng thứ để lại trong du khách gần như chỉ là hình ảnh Cột cờ Lũng Cú biểu tượng cho chủ quyền quốc gia và một vài điểm đến trên Cao nguyên toàn đá này. Nhưng từ khi có những nhà khoa học từ trong và ngoài nước đến với Cao nguyên đá, họ say mê tìm từng mẫu đá, những lớp trầm tích, phân tích từng dấu tích còn lưu lại qua hàng triệu, trăm triệu năm trên mảnh đất này để chứng minh về một vùng đất đặc biệt với lịch sử kiến tạo địa chất cực kỳ độc đáo, tiêu biểu của trái đất. Tất cả sự hùng vĩ, tuyệt đep và có phần khắc nghiệt của CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ngày nay đã chứng minh về một vùng di sản địa chất có một không hai, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn là toàn cầu.

Đường Hạnh Phúc vắt qua Mã Pì Lèng. ảnh: Quỳnh Hương
Đường Hạnh Phúc vắt qua Mã Pì Lèng. ảnh: Quỳnh Hương

Cá nhân tôi từng được theo sát rất nhiều kỳ cuộc từ khi Cao nguyên đá trong tiến trình đề xuất, xây dựng hồ sơ để đệ trình công nhận là thành viên Mạng lưới CVĐC Toàn cầu đến khi Cao nguyên đá được tái công nhận tư cách thành viên lần 1, rồi lần 2. Trong tâm thế của một địa phương khó khăn nhất cả nước, những đề xuất của Hà Giang có lẽ chỉ gói gọn trong quan điểm rằng Cao nguyên đá thực sự đẹp, thực sự là di sản địa chất, di sản nhân văn và rất cần được công nhận là thành viên Mạng lưới CVĐC Toàn cầu. Để từ đó nó không chỉ được bảo vệ, phát huy tốt hơn mà còn tạo thêm sinh kế cho cộng đồng gần 20 dân tộc anh em nơi đây.

Thổ canh hốc đá, một phương thức canh tác đặc biệt của vùng CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Thổ canh hốc đá, một phương thức canh tác đặc biệt của vùng CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Kiến tạo địa chất độc đáo và các di sản nhân văn cùng với mong muốn về tạo sinh kế cho nhân dân có lẽ chính là những giá trị cốt yếu để Cao nguyên đá Đồng Văn thuyết phục được những nhà khoa học, công nhận nó là thành viên Mạng lưới CVĐC Toàn cầu trong 10 năm qua. Cùng với đó, là sự cam kết và nỗ lực đặc biệt của cấp ủy, chính quyền cùng đồng bào các dân tộc ở Hà Giang trong việc cùng chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản nơi đây. Đó là những điều cốt lõi để qua 2 lần tái đánh giá, thẩm định trong 10 năm qua, Cao nguyên đá của chúng ta tiếp tục được tái công nhận tư cách thành viên một cách tự hào.

 

Hoa Tam giác mạch tạo sức hút đặc biệt cho Công viên đá
Hoa Tam giác mạch tạo sức hút đặc biệt cho Công viên đá

Nhớ lại 10 - 15 năm trước, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, sự hồn nhiên và trong trẻo trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá, khi ấy chưa mấy ai nghĩ, ai biết gì đến những từ CVĐC cả. Nhưng khi ấy, nhờ những lời giới thiệu đầy lòng tự hào quê hương của người Hà Giang, nhờ những thông tin báo chí, Cao nguyên đá dần trở thành điểm đến với những cảnh sắc độc đáo về đá núi, đặc biệt là những cánh Tam giác mạch tím hồng, đẹp lạ thường nơi sương gió cao nguyên. Sức hút đặc biệt, riêng có khiến Cao nguyên đá Đồng Văn dần trở thành điểm đến mới, “hot” như cái cách mà các bạn trẻ ham du lịch trong và ngoài nước vẫn gọi.

Đặc biệt là sự kiện Cao nguyên đá được công nhận là thành viên Mạng lưới CVĐC Toàn cầu tháng 10.2010 đã mở toang cánh cửa và thời cơ đón khách đến Cao nguyên đá. Con số thống kê của ngành VHTT&DL tỉnh về lượng khách du lịch đến với Hà Giang và đến với CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá hàng năm cứ tăng lên mạnh mẽ. Nếu như năm 2011, thống kê có khoảng 330.000 lượt khách đến Hà Giang thì đến năm 2014, nhờ hiệu ứng CVĐC Toàn cầu, Hà Giang đã thu hút được 650.000 lượt khách. Lượng du khách đến Hà Giang và đến Cao nguyên đá ngày càng tăng mạnh mẽ, năm 2019 lượng khách lần đầu đạt đến 1,4 triệu lượt. Nhiều đoàn khách du lịch, nhiều du khách trong Nam, ngoài Bắc khi đến thành phố Hà Giang đều có mong muốn được đi tiếp chặng đường khó khăn, dốc đá phía trước để được đặt chân lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhiều du khách tâm sự với chúng tôi rằng, đến Hà Giang mà chưa đến Cao nguyên đá Đồng Văn là coi như chưa đến Hà Giang.

Đặc biệt năm 2020, trong điều kiện cả thế giới cùng chống đại dịch Covid-19, nhưng dự báo du lịch Hà Giang vẫn đạt những kết quả rất đáng phấn khởi. Những tháng cuối năm, lượng du khách đến Hà Giang tấp nập. Đó thực sự là những con số ấn tượng, những tín hiệu lạc quan cho một địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quảng bá, bất lợi về giao thông, còn hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ du lịch...

Trong sự phát triển đầy triển vọng như hiện nay của Công viên đá, nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đặc biệt này ngày càng được nâng cao thì vẫn còn đó trăn trở của những người quản lí, những người dân sống trong vùng di sản. Trong tâm sự với chúng tôi, các anh Thanh Giang, Hoàng Đôn, Phó trưởng BQL CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là những người đã theo sát, gắn bó với Công viên đá từ những ngày đầu được công nhận CVĐC Toàn cầu đến nay đều có những mong muốn một ngày CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá được T.Ư quan tâm, đầu tư hơn nữa, không chỉ để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở một nơi khó khăn nhất cả nước mà còn đầu tư về những hạng mục, tạo những cơ chế, chính sách cần thiết để giúp cho Công viên đá phát triển mạnh, tạo sinh kế cho nhân dân; nghiên cứu thực hiện việc thu phí tham quan tổng thể CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn như di sản Vịnh Hạ Long để góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy bền vững CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

                                                                                      Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dòng sông mây trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam

Khung cảnh biển mây trên đỉnh núi Fansipan vào khoảng đầu tháng 11 gây choáng ngợp cho du khách lần đầu nhìn tận mắt.

24/11/2020
"Đại sứ" du lịch

BHG - Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên khách du lịch (DL) đến Hà Giang sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cấp, các ngành về xây dựng điểm đến DL an toàn và sức hút diệu kỳ từ hoa Tam giác mạch, DL đang trở lại "đường đua" với lượng khách tăng cao những tháng cuối năm.

 

24/11/2020
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Trầm gương sáng tự học, tự sáng tạo

BHG - Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong ngành Giáo dục huyện Quản Bạ, với sự hưởng ứng tích cực của nhiều tập thể giáo viên và học sinh. Trong đó nổi bật là tấm gương sáng về tự học, tự sáng tạo của cô giáo Nguyễn Thị Hương Trầm, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Quyết Tiến.

 

24/11/2020
Cô giáo Lê Thị Bích Thùy tận tâm với nghề

BHG - Với tình yêu nghề, mến trẻ; cô giáo Lê Thị Bích Thùy đã vượt qua bao khó khăn, cách trở để gieo chữ cũng như thắp sáng ước mơ cho học sinh (HS) vùng cực Bắc của Tổ quốc. Ngày ngày, cô vẫn thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho HS trong hành trình đi tìm cái chữ trên mảnh đất Thuận Hòa (Vị Xuyên) nhiều khó khăn, vất vả ấy; để chắp cánh cho những hoài bão, nguyện ước của học trò được bay cao, bay xa đến với chân trời tri thức.

 

23/11/2020