Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
BHG - Đến nay đã tròn 20 năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 70% gia đình được công nhận “gia đình văn hóa”; số thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 62,7%; 33 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị; xây dựng môi trường văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Người dân phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) thi kéo co. |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Triệu Quốc Lương, cho biết: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong giai đoạn 2015 - 2020 đã có bước phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu và đạt được nhiều kết quả tích cực, số gia đình được công nhận gia đình văn hóa, số thôn, tổ dân phố văn hóa ngày càng tăng. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa ngày càng được chú trọng, nhất là việc đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong các trường học; xây dựng được quy ước, hương ước về chấp hành và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cải tiến tang, ma trong đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng như việc đẩy mạnh phát triển KT-XH theo hướng hàng hóa và giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn tỉnh cũng như ở mỗi địa bàn khu dân cư”.
Phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), đô thị văn minh đã đi vào cuộc sống của mỗi gia đình và cả cộng đồng, phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu XDNTM, Nông thôn mới nâng cao. Từ đó, phát huy được sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân, nổi bật trong 5 năm qua nhân dân đã hiến được 515.921 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi tập thể; vận động được trên 570 nghìn ngày công lao động; tham gia làm được trên 2.300 km đường bê tông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp được hơn 1.500 km đường liên thôn; làm nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở, làm nhà Đại đoàn kết…
Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 10, phường Trần Phú (thành phố Hà Giang), Vũ Hoài Nam, chia sẻ: “Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chúng tôi thường xuyên truyên truyền cho mọi người dân, mọi nhà thực hiện nếp sống văn minh đô thị, ứng xử có văn hóa, tôn trọng và phát huy mối quan hệ đoàn kết “tình làng, nghĩa xóm”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang lễ. Hàng năm, có 99% gia đình trong tổ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, khu phố liên tục được công nhận “khu phố văn hóa” và được khen thưởng là khu phố văn hóa tiểu biểu của phường”. Qua đó, đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên, lối sống văn hóa phát triển trong cộng đồng.
Đồng chí Triệu Quốc Lương cho biết thêm, xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa là một nội dung quan trọng trong XDNTM, đô thị văn minh của tỉnh. Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Trong đó, có những phong trào phát triển sâu rộng và trở thành điển hình như: Chương trình đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở; phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; giữ gìn thuần phong mỹ tục, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Các phong trào đã có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều phong trào thi đua đã được các cấp, các ngành triển khai lồng ghép hiệu quả trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN trên địa bàn.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc