Nước đổ - mùa no ấm
BHG - Từ tháng 6 đến tháng 7 là thời điểm xuống đồng gieo cấy vụ Mùa của đồng bào vùng cao; đây cũng được gọi là mùa nước đổ. Những thửa ruộng nằm im lìm sau hai mùa Đông và Xuân bắt đầu được đánh thức. Ruộng bậc thang Hà Giang là một hệ thống canh tác thủ công có từ lâu đời của người dân sống gắn với rừng, núi, sông, suối. Hệ thống thủy canh của người dân miền núi, ngoài tạo ra mùa màng no ấm cho đồng bào các dân tộc còn tạo tác thành những quần thể ruộng bậc thang có cảnh sắc vô cùng hài hòa với thiên nhiên tạo nên sức hút du lịch cho mảnh đất này.
Một buổi đổi công của bà con. |
Với địa hình đồi núi đặc trưng, những thửa ruộng bậc thang ở khắp các vùng trên mảnh đất Hà Giang chỉ canh tác được vào vụ Mùa. Thế nên, với bà con vùng cao, mùa nước đổ rất quan trọng. Cả năm, no hay đói đều trông cả vào vụ này; nên vào mùa, người dân tranh thủ từng cơn mưa, từng lạch nước dẫn vào để làm đất, cắm cây mạ non, gieo mầm no ấm. Cứ tới mùa mưa, sấm, chớp đì đùng; ếch, nhái kêu rỉ rả là chúng tôi đánh trâu lên những căn lều dựng bên đám ruộng nhà mình và ăn ngủ luôn ở đó để kịp cày ải giữ nước. Có khi chờ mỏi cổ trời không đổ mưa, bất chợt nửa đêm sấm, chớp, mưa đổ ào ào từ trên đỉnh núi cao nhất về; khi ấy, chúng tôi gọi nhau dậy soi đèn pin, đánh trâu ra quần ruộng giữ nước. Ruộng nhiều, những buổi đổi công rôm rả cả một góc trời, giúp vơi bớt nặng nhọc; cầy cấy hoàn thành sớm hơn. Chỉ khi những bó mạ được cấy xanh khắp các thửa ruộng rồi lên đòng, lúc ấy mới mong một mùa vụ ấm no cho gia đình.
Những thửa ruộng bậc thang. |
Hệ thống ruộng bậc thang lớn nhất Hà Giang nằm ở Hoàng Su Phì, mảnh đất với những rừng thông rì rào dưới đỉnh Tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi,… cứ vào mùa nước đổ và mùa lúa chín lại rạo rực những cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ. Huyện Hoàng Su Phì có tổng số 3.720,6 ha ruộng bậc thang trải đều khắp 25/25 xã, thị trấn của huyện. Các thửa ruộng bậc thang của huyện uốn lượn trùng điệp và chạy dài từ ven suối lên đỉnh núi, xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh, những nương chè cổ thụ; tạo thành bức tranh thiên nhiên hài hòa, nhiều màu sắc. Cảnh quan ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì đẹp nhất khi năm vào mùa nước đổ từ tháng 5 đến tháng 6; mùa lúa chín từ tháng 8 đến giữa tháng 10. Cùng với đời sống sinh hoạt, văn hóa đặc sắc còn được lưu giữ của đồng bào người Dao, Nùng, La Chí,… đã tạo thêm sức hút cho vùng núi Hà Giang. Giống như các dân tộc ít người vùng cao phía Bắc, đồng bào ở đây làm nhà ngay cạnh khu ruộng của mình, các gia đình làm nhà tập trung thành từng cụm 5 - 6 nhà trên một quả đồi; xung quanh là ruộng bậc thang. Lối đi giữa các gia đình là những con đường mòn quanh co, bên rìa những thửa ruộng,… quanh nhà, bao giờ cũng có một khoảng vườn để trồng rau, một khu để nuôi gia cầm; tạo thành cảnh quan hài hòa mang nét đặc trưng của miền núi. Xã Bản Phùng, nơi có hệ thống ruộng bậc thang đẹp nhất nhì huyện và thường được những tay săn ảnh gọi trìu mến là “Nàng Phùng Thị”. Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Bản Phùng bao giờ cũng làm say đắm những tay săn lùng cái đẹp, cứ đến mùa nước đổ, là họ lập tốp, vượt hàng trăm cây số lên săn mây, săn những tấm gương nước phản chiếu lên trời ở cái bản người La Chí còn giữ được những nét văn hóa riêng biệt ấy.
Anh Trần Chí Nhân, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì là một người có kiến thức và yêu cái đẹp. Trong các cuộc trò chuyện, nhiều lần nhắc đến ruộng bậc thang ở các bản, xã; anh đều nhắn nhủ tôi, nơi này đẹp, nơi này dễ săn ảnh để có thể tìm đến mà không mất thời gian. Cứ thế, các đám ruộng bậc thang ở Sán Sả Hồ, Bản Luốc, Hồ Thầu, Nàng Đôn, Thàng Tín… được hiện ra qua lời kể của anh. Những đám ruộng bậc thang miên man, muôn hình vạn trạng; không đám nào giống nhau đã tạo nên sức hút kỳ lạ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Người Dao có truyền thống tích trữ lương thực tốt nhất trong các dân tộc, nên bất kỳ một gia đình nào sau vụ gặt đều sẽ thấy những bao tải thóc được xếp thành tường chật kín trong nhà, trên gác cao. Với họ, chỉ khi nào có những bao thóc ấy chất đầy nhà mới yên tâm làm việc khác. Giờ đây, ruộng bậc thang không chỉ là nơi để canh tác mưu sinh, để mỗi mùa vụ lại gieo những hạt thóc tạo cho tương lai ấm no; mà ruộng bậc thang còn là thắng cảnh thu hút du khách gần xa.
Ruộng bậc thang là biểu tượng cho ý trí mưu sinh của người miền núi, bằng bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của mình; đồng bào các dân tộc nơi đây đã vẽ nên một bức tranh khổng lồ đầy mầu sắc, một “công trình kiến trúc vĩ đại”; đủ sức làm say lòng bất cứ ai khi đến với vùng đất này.
Bài, ảnh: Trọng Toan