Văn hóa truyền thống được truyền dạy tốt trong các trường học ở Bắc Quang
BHG - Huyện Bắc Quang hiện có 71 đơn vị trường học với trên 30.800 học sinh là con, em của 19 dân tộc cùng sinh sống. Điều này đã đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc trong thế hệ trẻ theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong trường học”.
Học sinh huyện Bắc Quang tham gia các trò chơi dân gian. |
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 02 theo hướng thiết thực, phù hợp nhất là khắc phục được những khó khăn trước mắt, như: Đội ngũ nghệ nhân có khả năng truyền dạy không còn nhiều, phần lớn tuổi đã cao, sức đã yếu; nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã mai một; đạo cụ, dụng cụ, vật phẩm có tính chất văn hóa truyền thống còn hạn chế... Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong trường phổ thông. Theo đó, các đơn vị trường học trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, như: Tổ chức lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống vào một số môn học, dạy học theo chuyên đề; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt bán trú, nội trú... Chỉ đạo nâng cao kỹ năng tuyên truyền của cán bộ phụ trách y tế học đường; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền về Luật An toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn; phòng, chống đuối nước; phòng, tránh thiên tai, tai nạn thương tích; bạo lực học đường; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; kỹ năng phòng, chống tội phạm liên quan đến phụ nữ và trẻ em trong các trường học.
Các trường học đã mời các nghệ nhân hoặc thông qua việc truyền dạy từ thế hệ trước sang thế hệ sau và sinh hoạt cộng đồng để dạy học sinh biết làm một số sản phẩm truyền thống. Đến nay, đã có khoảng 38% học sinh biết làm một trong các việc, như: Thêu, đan váy, áo, túi, khăn, mũ, biết chế biến một số món ẩm thực địa phương... Thi biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, thi trình diễn trang phục dân tộc vào các ngày lễ lớn trong năm, thành lập và duy trì các câu lạc bộ hoặc nhóm sở thích.
Có thể khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết số 02 đã góp phần định hướng cho thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; trang bị thêm phương pháp, kỹ năng rèn luyện để trở thành những công dân tốt. Giờ đây, phong trào đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt của các trường trên địa bàn huyện, thông qua phong trào không những góp phần thu hút các em đến trường mà còn từng bước nâng cao chất lượng học tập ngày càng toàn diện hơn.
Bài, ảnh: Bùi Thị Thịnh
Ý kiến bạn đọc