Mùa Xuân đến muộn
BHG - Bẵng đi khoảng thời gian dài đằng đẵng ngủ Đông, những nụ hoa trên Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu khoe sắc. Mùa Đông kéo dài quá, dường như những nụ Đào, Lê, Mận đã không kìm được nỗi nhớ mùa Xuân ấm áp, nên mấy hôm nay, vài ánh nắng len lỏi đã đủ làm bung nở những nụ hồng xinh xắn ẩn nấp sau thân gỗ xù xì. Xa xa, những nương cải vàng cũng được dịp khoe mình. Cao nguyên đá bây giờ mới thực sự vào Xuân!
Hoa Đào nở dọc đường lên Cao nguyên đá. |
Cao nguyên đá mùa nào cũng đẹp. Nhưng hiển nhiên cái đẹp của mùa hoa Đào mở mang lại một cảm xúc rất khác. Hoa Đào vùng cao mang đến hơi thở của mùa Xuân. Những cánh hoa phớt hồng như cô gái mới lớn, đỏng đảnh, kiêu kỳ, tô điểm cho Cao nguyên đá khiến ai cũng đắm say. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, một người bạn của tôi có ý định lên “săn” hoa Đào nở vì trót mến mộ cái đẹp hoang dã của những cánh đào vùng biên viễn. Mặc cho tôi can ngăn rằng năm nay Đào nở muộn, anh vẫn hy vọng “hữu duyên”. Cuối cùng, cũng đành khuất phục trước sự bất kham của loài hoa mang hồn của núi. Chẳng có quy luật nào về thời gian để hoa Đào nở, mà còn phụ thuộc vào thời tiết trong năm. Thuận theo tự nhiên, khi nào ấm áp hoa mới nở. Vì sự đỏng đảnh đó nên người ta vẫn thường gọi hoa Đào vùng cao là loài hoa kiêu hãnh nhất.
“Mùa Xuân” trên lưng. |
Bên cạnh màu hồng chủ đạo của hoa Đào, dọc các con đường tại các xã Phố Cáo, Sủng Là hay “thị trấn ngủ quên” Phố Bảng, du khách đến vào thời điểm này còn dễ dàng bắt gặp những cành hoa Mận bung nở trắng muốt, hoa Mơ cánh tròn trịa lấm tấm tô điểm, hoa cải vàng ruộm, kéo theo ong bướm dập dìu. Bên hiên nhà, người phụ nữ Mông bình thản ngồi se lanh; dưới những gốc Đào, lũ trẻ con rít rít nô đùa; đám con gái mới lớn mang những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ ra phơi cho kịp nắng,… phong cảnh hiện lên như tranh vẽ. Tất cả cùng khoe sắc giữa núi rừng, nổi bật trên nền đá xám ngắt, ôm ấp những mái nhà trình tường thấm đượm nắng Xuân.
Có thể nói, không có nơi nào thiên nhiên vừa khắc nghiệt lại vừa dịu dàng như Cao nguyên đá. Những ngày mùa Đông lạnh căm căm, từng đợt gió rít như cứa vào da thịt. Nhưng sang Xuân, trời đất vừa chuyển mình đã ngập tràn sức sống, những chồi non đã cựa quậy, vươn mình. Mùa Xuân cũng là lúc bắt đầu một mùa sản xuất mới. Thời tiết trở lên ấm áp, bà con gác lại những buổi vui chơi; trai, gái không còn hò hẹn, họ cùng nhau lên nương, vỡ đất, gieo trồng. Trên núi, dưới thung thấp thoáng bóng người nông dân cần mẫn như những nốt nhạc trầm, bổng trong bản tình ca của núi rừng.
Nhiều năm trở lại đây, vào dịp sau Tết, huyện Đồng Văn, vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá đều đón lượng khách khá lớn. Theo đánh giá của phòng chuyên môn, lượng khách đến vào thời điểm này còn lớn hơn so với thời điểm diễn ra các lễ hội trong năm. Đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng cho ngành Du lịch của tỉnh ta nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng. Nhờ đó, những công trình xây dựng, dự án đầu tư vào du lịch cũng đang được triển khai, từng bước mang lại sự “thay da đổi thịt” cho mảnh đất vùng cao còn nhiều khó nhọc này.
Không lấy làm lạ khi người ta gọi mùa Xuân trên Cao nguyên đá là “Mùa đá nở hoa”. Mỗi loài hoa tượng trưng cho những nét đẹp tâm hồn con người vùng cao, cần mẫn, rắn rỏi, chất phác nhưng cũng đầy mê đắm. Tuổi thanh xuân bạn đã đi được thật nhiều nơi trên thế giới tuyệt đẹp này, vậy đừng bỏ qua mùa Xuân trên biên giới Hà Giang. Hãy đến để cảm nhận vẻ đẹp xuân sắc nhất của thiên nhiên, con người nơi đây.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc