Nhớ về mái trường xưa
Xuân 2020 - Mùa Xuân này, tôi luôn nhớ về mái trường cấp III thân yêu, Trường Lê Hồng Phong, mái trường đã lưu gữi cho tôi biết bao kỷ niệm thời thanh xuân.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho trường THPT Lê Hồng Phong. Ảnh: YẾN VŨ |
Trong một chuyến về quê, tôi gặp thầy Nguyễn Văn Thịnh, thầy giáo dạy môn Hóa học của chúng tôi, sau thầy lên làm Hiệu trưởng. Thầy Thịnh là một người thầy hết lòng vì học trò, yêu trường, gắn bó, tâm huyết với ngôi trường đến kỳ lạ. Sau khi nghỉ hưu, thầy dành khá nhiều thời gian gặp gỡ, ghi chép lại tên tuổi các thầy cô giáo, học sinh của trường từ những năm đầu mới thành lập đến nay, thầy sưu tầm tài liệu, ghi chép lại quá trình phát triển của nhà trường, những lần sơ tán, những khi chuyển địa điểm dựng trường, những học sinh của nhà trường đã hy sinh vì tổ quốc, những thầy giáo, học sinh thành đạt… Thầy say sưa tâm sự với tôi, rằng các bậc tiền bối kể lại, khi toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), thực hiện “vườn không nhà trống”, một bộ phận nhân dân thị xã Hà Giang chuyển vào chân núi Mỏ Neo, thành lập hai khu dân cư mới là Cầu Phát và Chợ Mới thuộc xã An Cư, huyện Vị Xuyên.
Thầy Lưu Văn Khuê (thứ 3 từ phải sang) và học sinh dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường. Ảnh: THÁI HÀ |
Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em khu vực tản cư, các lớp học đã ra đời, đặt nhờ nhà của đồng bào ở địa phương, các thầy sống cùng nhà dân sơ tán. Trong kháng chiến gian khổ nhưng số học sinh đến lớp vẫn tăng dần. Năm 1950, một ngôi trường ra đời, mang tên “Trường Cơ Bản tỉnh Hà Giang” do thầy Vũ Văn Cấp, Trưởng Ty Giáo dục trực tiếp phụ trách.
Đời sống thời chiến nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng các thầy cô rất yêu nghề, vừa dạy văn hóa vừa giáo dục đạo đức cho học sinh, thầy trò cùng rào tường, trồng sắn, trồng ngô, khoai, rau, đậu. Thực hiện khẩu hiệu “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, các thầy tổ chức hoạt động hướng về cuộc kháng chiến “Toàn dân - toàn diện” bằng nhiều cách: Học sinh lớn vào rừng lấy củi bán, chặt mía thuê gây quỹ mua “Công trái kháng chiến”. Học sinh nhỏ nhịn quà sáng để dành tiền góp công quỹ…
Học sinh trường Lê Hồng Phong khóa 1967-1970. ảnh: Thái Hà |
Năm 1950, bộ đội từ miền xuôi hành quân qua Hà Giang theo Quốc lộ 2 để sang Trung Quốc luyện tập quân sự, chuẩn bị tổng phản công nên giặc Pháp tăng cường bắn phá thị xã. Từ học ban ngày, trường phải chuyển sang học ban đêm, có thời gian phải học trong hang đá. Sách giáo khoa chưa có, giấy viết phải dùng báo cũ ngâm nước vo gạo, nước vôi, phơi khô, rồi lấy chai lăn cho phẳng. Thời kì đầu, học sinh phải dùng dầu ve, mỡ lợn, mỡ bò, có khi phải dùng hạt bưởi, xiên phơi khô đốt thay đèn để có ánh sáng học đêm; cắm ngòi bút vào que tre để có bút viết. Tuy vậy, nhờ lòng hiếu học, lại được các thầy cô thương yêu, giảng dạy nhiệt tình nên học sinh đến lớp đầy đủ, tiếng học bài vẫn vang vọng vào vách núi.
Sau chiến thắng của quân và dân Hà Giang trên mặt trận Lê Hồng Phong 2 (Hoàng Su Phì) vào cuối năm 1950, năm 1951, Tỉnh ủy Hà Giang quyết định đổi tên Trường Cơ Bản Hà Giang thành Trường Lê Hồng Phong. Lúc này, trường chuyển từ Cầu Phát sang chân Núi Cấm, nơi đặt Tượng đài Liệt sỹ thành phố Hà Giang hiện nay. Tất cả các tư liệu thầy Thịnh đều lưu giữ, kể cả những câu ca dao, hò vè, những bài thơ của thầy và trò nhà trường đã làm trong từng giai đoạn phát triển, với tấm lòng trân trọng, nâng niu.
65 năm trôi qua, từ Trường Cơ bản (cấp 1) rồi Nhô cấp 2, cấp 2 hoàn chỉnh, Nhô cấp 3 và đến nay thành một trường cấp 3 - THPT bề thế, với bề dày truyền thống, đánh dấu một chặng đường giáo dục, đào tạo gian nan của miền sơn cước. Là học sinh của trường từ 1966 đến 1970, chúng tôi đã học tại trường sơ tán trên núi ở km 2 đường Hà Giang - Đồng Văn, rồi “hạ sơn”, thầy trò vào Phú Linh, Kim Thạch chặt nứa, chặt vầu về dựng trường ở Cầu Phát.
Khi trường chuyển về địa điểm hiện tại, chúng tôi đã đi bộ đội. Những tháng năm trong quân ngũ, chúng tôi vẫn luôn nhớ về thầy cô, về mái trường thân yêu. Cùng nhập ngũ với tôi có 5 bạn đều là học sinh trường Lê Hồng Phong. Những năm tháng đầu trong quân ngũ, chúng tôi nhắc nhiều kỷ niệm về mái trường thân yêu, về những ngày đi sơ tán, về các thầy cô, về bạn bè cùng trang lứa, về ước mơ nữa.
Xa trường đã gần nửa thế kỷ, chúng tôi đều đã về hưu, gương mặt mang dấu ấn của thời gian và gánh nặng cuộc đời, gặp lại nhau vẫn “mày tao”, nhưng cái tiếng gọi “mày tao” hôm nay trĩu nặng suy tư, không còn nhẹ và vô tư như thuở trước... Hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng tôi giống nhau ở điểm đều an nhiên tự tại, bằng lòng với cuộc sống của mình.
Gặp nhau, chúng tôi vẫn nói nhiều về các thầy cô, những người đã tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt chúng tôi trưởng thành. Đó cũng là lúc để suy ngẫm, để nhớ về những kỉ niệm với thầy cô đáng kính, là dịp đặc biệt để chúng tôi, những cô cậu học trò một thời thể hiện tình cảm với thầy cô, với bạn bè thân thương. Chúng tôi vẫn nhớ thầy Lã, thầy Quang, thầy Sự, thầy Hỷ, thầy Yến, thầy Khuê, thầy Thịnh, thầy Lịch… những người thầy nghiêm khắc và mô phạm, những người thầy chúng tôi trân trọng và kính yêu.
Ngổn ngang với bao nhiêu ký ức, bao nhiêu kỷ niệm thời thanh xuân, cái thời vô tư, cái thời nghịch ngợm. Gặp nhau, đám học trò già chúng tôi cùng ôn lại vui buồn, kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện, ăn với nhau một bữa cơm, rồi chia tay, hẹn gặp lại trong những mùa Xuân sau.
HÀ PHƯƠNG THIỆN
Ý kiến bạn đọc