"Chắp cánh" những ước mơ lập nghiệp
Xuân 2020 - Với phương châm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, những năm gần đây, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang đã tiên phong triển khai mô hình đào tạo “kép”, kết hợp học lý thuyết, thực hành căn bản tại trường với việc thực hành nâng cao tay nghề trực tiếp tại các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV). Nhờ đó, những năm qua, nhà trường đã thực sự trở thành cơ sở đào tạo tin cậy và uy tín của tỉnh, góp phần chắp cánh cho những ước mơ lập nghiệp của nhiều thế hệ HSSV bay cao, bay xa.
Ban Giám hiệu nhà trường cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trao đổi với học sinh, sinh viên kiến thức khởi nghiệp. Ảnh: Yên Hoa |
Nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực và góp phần giải quyết việc làm trong điều kiện cơ sở vật chất thực hành còn thiếu và chưa đồng bộ, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh để người học được thực hành, thực tập nhiều hơn và củng cố mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả với doanh nghiệp.
Đến nay, nhà trường đã liên kết với trên 20 doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết việc làm cho người học sau khi kết thúc khoá học. Trong quá trình học tập, HSSV sẽ được thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, được hưởng các chế độ do doanh nghiệp chi trả cùng với sự hỗ trợ của nhà trường. Sau khi hoàn thành khoá học sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức thu nhập ổn định. Nhà trường cũng xây dựng các kênh thông tin như: Website, fanpage, email, điện thoại... để cung cấp thông tin tuyển sinh, năng lực đào tạo, cung ứng nhân lực và các thông tin về nhu cầu việc làm, thị trường lao động cho người học.
Thiết bị, vật tư được doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường đào tạo ngành may thời trang. Ảnh: Nguyễn Phương |
Cùng với đó, nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ tương tác với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong việc phản hồi, tham gia ý kiến vào chương trình đào đạo các ngành nghề của nhà trường đảm bảo phù hợp, sát thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành, đồng thời hỗ trợ nhà trường nhiều thiết bị, vật tư phục vụ hoạt động dạy học. Năm học này, nhà trường đã bổ sung 2 môn học là: Môn khởi nghiệp và Kinh tế - xã hội địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động. Với nhiều cố gắng, nỗ lực từ phía nhà trường, những năm học gần đây tỷ lệ HSSV của trường có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%, trong đó có một số ngành nghề có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ trên 90% như: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, vận hành nhà máy thủy điện, may thời trang...
Điểm nhấn trong năm 2019, đó là nhà trường đã thành lập Quỹ “Ươm mầm khởi nghiệp”, khuyến khích tinh thần, ý chí lập nghiệp và khát vọng làm giàu trong HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Đồng thời, góp phần giải quyết vấn đề về vốn để HSSV mạnh dạn biến những ước mơ khởi nghiệp thành hiện thực. Nhà trường cũng chú trọng tổ chức nhiều diễn đàn khởi nghiệp, tư vấn hướng nghiệp để HSSV được trao đổi, thảo luận trực tiếp với lãnh đạo các sở, ngành, các đơn vị tuyển dụng lao động nhằm khơi dậy sự sáng tạo, niềm đam mê khởi nghiệp của HSSV, khuyến khích các em đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm. Đồng thời, tạo thêm động lực, niềm tin và ý chí cho thế hệ trẻ, giúp các em có thêm bản lĩnh trên bước đường lập thân, lập nghiệp.
Trong không khí rộn ràng những ngày đầu Xuân mới, thầy Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Những năm học tiếp theo, trường sẽ không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương thức, ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực thực sự có chất lượng. Đồng thời, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, khuyến khích HSSV mạnh dạn khởi nghiệp, đóng góp tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT – XH của địa phương.
HỮU THỤY – NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc