Giữa mùa Tam giác mạch

07:38, 27/01/2020

Xuân 2020 - Mỗi lần ngược thăm lại Cao nguyên đá, tôi thường chọn những ngày giữa tiết Thu để hành trình. Tôi chọn thời điểm này vì một lẽ, giữa Thu ở vùng núi cao, đã giá lạnh như những ngày cuối Đông ở miền xuôi, thời tiết khô ráo không lo sạt núi, lở đường, đi lại, sinh hoạt tiện lợi.

Làng Văn hóa cộng đồng dân tộc Mông thôn Hạ, xã Pả Vi (Mèo vạc).                                                                                                   Ảnh: HÀ CHÂU
Làng Văn hóa cộng đồng dân tộc Mông thôn Hạ, xã Pả Vi (Mèo vạc). Ảnh: HÀ CHÂU

Ngược Quốc lộ 4C (đường Hạnh phúc) đến chân đèo Pắc Sum, phía trước mặt, ở vách núi không xa lắm, nổi bật dòng chữ lớn, màu trắng: Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, như là sự thức tỉnh du khách, chuẩn bị tinh thần để khám phá Cao nguyên đá có một không hai này.

Cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều dáng vẻ: Nương đá, vườn đá, rừng đá, triền đá và những đỉnh núi nhọn hoắt, trần trụi, xám lạnh trùng điệp. Hàng ngàn đỉnh núi nhấp nhô, như những đàn voi khổng lồ thời tiền sử lổm ngổm lưng chừng trời. Đến vườn đá Khau Vai, nơi có phiên Chợ tình vào ngày 27.3 (âm lịch) là phiên Chợ tình đúng nghĩa nhất, duy nhất Việt Nam. Ở đây các chóp đá thường có dạng bông hoa, nhụy hoa, nhánh hoa, muôn hình muôn vẻ…

 Ngày hội Tam giác mạch Đồng Văn.                          Ảnh: HÀ CHÂU
Ngày hội Tam giác mạch Đồng Văn. Ảnh: HÀ CHÂU

Đi trong cái thế chênh vênh hoang vắng, trần trụi, siêu thực siêu hình này, tôi cứ nghĩ mãi lời của của một đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được quyết định công nhận Công viên Địa chất toàn cầu: “Cao nguyên đá Đồng văn cùng với những hình ảnh khác như vịnh Hạ Long, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, mở ra cơ hội biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân…”.

Mây trắng nghi ngút trong các khe lạch. Mùa Thu bầu trời cao xanh vời vợi, nắng nhẹ màu mật ong Bạc hà, trải rộng khắp một vùng núi non. Có người bảo mùa Thu là mùa tàn phai, mùa đại ngàn rụng lá. Nhưng ở Cao nguyên đá Đồng Văn không phải thế, sức sống từ những kẽ đá, nương đá vẫn trỗi dậy mãnh liệt, đơm hoa, kết trái từng ngày. Những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương, bờ rào đá, cổng nghiến xưa cũ, cây trái xum xuê bốn mùa, bếp khuya vẫn nồng nàn than lửa… Ở Đồng Văn mùa Thu là mùa của hoa Cải vàng, mùa của Tam giác mạch trắng, hồng miên man bừng thức.

Thoạt nghe Tam giác mạch trắng, cái tên không gợi mấy về một loài hoa. Nhưng lại là loài hoa đặc trưng nhất, quyến rũ nhất trên Cao nguyên Đồng Văn, mời gọi vô số những tay máy săn ảnh nghệ thuật mọi miền đất nước. Đúng hơn là một rừng hoa vô tận, 5 cánh ly ty trải dọc con đường lên vùng cao, mở rộng từ núi bên này, sang sườn núi bên kia, bừng bừng trong các thung lũng rộng lớn. Nhìn kỹ mới thấy những cái lá xanh mềm mại, có hình tam giác dưới những bông hoa, nên mới có tên gọi: Tam giác mạch trắng (có nơi gọi là Đại mạch)

Hoa nở dằng dặc từ Lán Xì, Lũng Cẩm, Thài Phìn Tủng đến Lũng Táo. Sà Phìn, Lũng Hòa là nơi khan hiếm nước nhất trên cao nguyên, thế nhưng hoa nở như chưa bao giờ được nở, khiến trùng trùng đá xám cũng trở nên trữ tình, mềm mại hơn. Từ Mèo Vạc qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù vào Khau Vai, những nương Tam giác mạch trắng như những dải khăn khổng lồ, mềm mại, uốn lượn quanh sườn núi, sưởi ấm cả vùng cao nguyên xám lạnh. Những em nhỏ hồn nhiên dạo chơi trong nương hoa, kết những cành hoa thành vòng nguyệt quế, quàng lên cổ, lên đầu bạn thích thú.

Đứng từ xa đã nhìn thấy Cột cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 mét vuông, tung bay trên đỉnh Núi Rồng kiêu hãnh. Dưới chân Núi Rồng là thung lũng Thèn Pả, rộng hàng trăm ha, phủ tràn một màu Tam giác mạch trắng tím, trắng. Chúng tôi len lỏi giữa thung lũng Tam giác mạch trắng, thổn thức trước vẻ đẹp tinh khôi, im lặng để tận hưởng hương thơm thấm đầy vào da thịt. Có phải hoa đẹp là vì người. Trước con người hoa đẹp như một lời đền đáp tri ân. Không gian đầy ắp gió khiến những bông hoa bé nhỏ rung rinh như mời gọi. Hình như mọi nhọc nhằn được trút bỏ hết, còn lại trong tôi là sự thảnh thơi, dễ chịu với màu hoa, cùng những nhớ thương không đầu, không cuối.

Tản văn: CAO XUÂN THÁI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch Quốc gia

Xuân 2020 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững. Cụ thể hóa chủ trương ấy, trong nhiều năm qua là sự nỗ lực không ngừng của tỉnh để thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch Quốc gia. Điểm tựa và niềm tin cho mục tiêu đó chính là những "đòn bẩy" du lịch, đó là

27/01/2020
"Nôi" đào tạo học sinh chất lượng cao

Xuân 2020 - Xác định đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học là nhiệm vụ xuyên suốt, thời gian qua tập thể thầy và trò Trường THPT Chuyên Hà Giang luôn tìm tòi đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo môi trường học tập có tính cạnh tranh cao. Những nỗ lực hết mình của thầy, cô giáo đã thực sự được đền đáp bằng chính kết quả học tập của các em học sinh, luôn khẳng định và giữ vững là trường dẫn đầu về chất lượng giáo dục của bậc học THPT trong toàn tỉnh.

 

27/01/2020
Tết Đồng Văn

Xuân 2020 - Nơi cao nguyên đá kỳ vĩ và khoáng đạt, là quê cha đất tổ của hai dân tộc bản địa đã sinh sống hàng ngàn năm với số dân ít ỏi. Song các giá trị truyền thống ngàn năm nay vẫn bền bỉ chảy trong huyết quản của cộng đồng, tạo nên những nếp sống và nền văn hóa hết sức đặc thù và đa dạng. Đặc biệt là vào ngày Tết, mỗi dân tộc lại có một phong tục độc đáo và đôi khi… kỳ lạ. Những dịp được đón Xuân cùng bà con đã cho tôi những câu thơ thật đẹp...

26/01/2020
Nhớ về Tết tuổi thơ

Xuân 2020 - Mấy hôm nay, cái rét cuối Đông, cái màu trời đùng đục lúc sáng, lúc tối, cái khô hanh của thời tiết chuyển mùa lại nhắc nhớ tôi. Năm cũ sắp qua năm mới sắp đến. Tết sắp đến, Xuân sắp về. Miên man cùng với đứa cháu nhỏ về Tết có gì hay, bỗng kỷ niệm về những cái Tết tuổi thơ của mình ùa về như một thước phim. Những cái Tết không thể nào quên của thời thơ ấu.

 

25/01/2020