Ký ức "bể nước đường"
Xuân 2020 - Mùa khô năm 1999, tôi được Báo Hà Giang cử lên 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh để nắm tình hình, viết bài về thực trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra hết sức gay gắt nơi đây. Tôi đi khảo sát thực tế ở một số thôn, xã của các huyện. Đến thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn (Đồng Văn), tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy có một cái bể nước không nắp, xây ngay phía dưới tả luy âm của Quốc lộ 4C. Hỏi một người đàn ông Mông đang kè nương đá gần đấy về cái bể nước, ông bảo: “Bể nước đường đấy”. Thấy tôi ngơ ngác, ông giải thích: “Để hứng nước mưa từ trên mặt đường chảy xuống” - “Hứng thế nào ạ?” - “Mỗi khi trời mưa thì đắp chặn nước lại, dẫn xuống bể”. Tôi ngỡ mình nghe nhầm, bèn hỏi lại: “Lấy nước từ mặt đường đầy bụi, rác thế này á? Nước bẩn thế dùng làm sao được hả bác?” - “Hứng xong phải để lắng, sau đó múc nước phía trên đem về dùng”!
Chạy xuống chỗ cái bể, vớt nước lên xem, nước mầu xanh rêu lờ lờ, tôi khoắng mạnh tay xuống phía dưới, nước vẩn lên đục ngầu!
Một trong những “hồ treo” ở huyện Đồng Văn. |
Trở về huyện, tôi đem chuyện “bể nước đường” kể với anh Thanh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn. Anh gật đầu xác nhận, rồi nói như tâm sự: “Trung ương và tỉnh đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao phía Bắc từ nhiều năm nay, nhưng xem ra vẫn chưa giải quyết được về cơ bản. Các dự án nước sạch được triển khai khá nhiều, từ bể nước công cộng, chum lu bê tông, đến khoan nước ngầm, lắp đặt hệ thống dẫn nước từ nguồn trên núi xuống, đắp hố nước tự nhiên… đều đã được áp dụng cả rồi, song chả thấm vào đâu, chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ông trời. Gặp những năm thuận mưa còn đỡ, nếu gặp hạn hán kéo dài như năm nay thì tất cả mọi dụng cụ chứa nước đều cạn khô, cực lắm chú ạ! Hiện tại tỉnh và huyện đang thực hiện giải pháp tình thế là dùng xe téc chở nước cung cấp cho bà con, nhưng chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu thực tế, giá thành lại quá cao!”.
Tôi hỏi anh Thanh: “Có giải pháp gì căn cơ hơn không anh?”. “Có. Nhưng để thực hiện được thì không dễ, vì sẽ tốn rất nhiều tiền, mà địa phương quá nghèo, không tự lo được!”. “Giải pháp gì hả anh?”. “Xây bể chứa nước sinh hoạt, gọi tắt là hồ treo. Phải xây vài trăm cái hồ treo ở 4 huyện, mỗi cái có dung tích từ vài nghìn đến cả chục nghìn mét khối ở các thôn, xã đông dân cư để tích nước trong mùa khô, thì may ra…”. “Các anh đã tính toán chi phí xây một cái hồ treo hết bao nhiêu tiền chưa ạ?”. “Tính rồi. Tùy thuộc vào từng vị trí và quy mô, nhưng mỗi hồ treo trung bình phải ngốn cỡ dăm tỷ đồng. Để xây 200 cái hồ treo cỡ trung bình, tức là khoảng 5.000 m3 mỗi cái, cần số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng!”.
Ngay sau đợt hạn hán kỷ lục ấy, tỉnh đã triển khai Chương trình “mái nhà, bể nước, con bò”. Theo đó, mỗi hộ dân vùng cao được đầu tư tiền công, hỗ trợ vật liệu lợp nhà, xây bể nước và mua bò về nuôi. Nhờ chương trình này, tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở đây đã đỡ hơn trước, nhưng vẫn chưa giải quyết được về cơ bản.
Đảng, Chính phủ nắm bắt và thấu hiểu được nỗi cơ cực của bà con khi thiếu nước sinh hoạt. Sau một số chuyến lên thăm, khảo sát thực tế tại Hà Giang, từ năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng hàng trăm hồ treo tích nước ở 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh. Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 106 hồ với tổng dung tích chứa nước gần 540 ngàn m3, cung cấp nước cho hơn 86 ngàn người dân sở tại. Hiện tại có 13 hồ đang được tiếp tục thi công. Tuy hiện nay số hồ treo đang sử dụng mới chỉ đáp ứng được vài chục phần trăm nhu cầu, song đây là bước đột phá vững chắc trong việc “giải cơn khát” cho đồng bào nơi đây.
Tháng 10.2010, bốn huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang được UNESCO công nhận thành viên “Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu”, với tên gọi “Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn”. Từ đó đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn được đón rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm đời sống văn hóa bản địa của các dân tộc nơi đây; được đón các nhà khoa học đến nghiên cứu về địa chất, khảo cổ, về đa dạng sinh học, khí hậu… Du khách được thả sức ngắm nhìn những thắng cảnh đẹp đến mê hồn, trong đó có những chiếc hồ treo ăm ắp nước, in bóng mây trời, với nhiều hình thù đẹp mắt. Những chiếc hồ treo bỗng nhiên trở thành “điểm nhấn” sinh động và mới lạ, làm “mát mắt” bao du khách xa gần. Có không ít thi sỹ khi đến nơi đây đã cảm hứng viết nên những vần thơ đầy hình ảnh đẹp về hồ treo. Bài thơ Hồ Treo của thi sĩ Bạch Kim Hồng có đoạn:
… Như một chiếc gương trời
Lượn vòng theo thế đá
Cái hồ treo - ô kìa
Hiện ra như phép lạ!
Chắt từ mồ hôi đá
Thành hồ nước mát xanh
Lọc từ trong nguồn mạch
Nên giọt nước ngọt lành…
Nhìn những chiếc hồ treo đẹp lung linh hôm nay, ký ức về cái “bể nước đường” ở thôn Lũng Hòa B gần hai mươi năm trước bỗng hiện về trong tâm trí tôi. Cái bể ấy đến nay vẫn còn, như một chứng tích về thời gian khổ trên xứ đá Hà Giang.
Tản văn: Nguyễn Trần Bé
Ý kiến bạn đọc