Góc nhìn của doanh nghiệp du lịch về tiềm năng du lịch cộng đồng tại các huyện phía Tây tỉnh Hà Giang
BHG - Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá…). DLCĐ là loại hình du lịch hấp dẫn, đang được phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội cho cộng đồng địa phương. Những năm qua, phát triển DLCĐ ở Hà Giang đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ về số lượt du khách thăm quan cũng như mức độ đóng góp của ngành du lịch vào phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2019, Hà Giang tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình số 29-CTr/TU ngày 24.7.2017 của UBND tỉnh; thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 6.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 35/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì luôn là điểm nhấn thu hút du khách. ảnh: Phan Mạnh |
Các biện pháp được đưa ra theo hướng tập trung thu hút đầu tư nhằm phát triển hạ tầng du lịch, trong đó quan tâm đặc biệt đến các dự án Khu phức hợp làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống của Công ty Du lịch và lữ hành Miền đất Việt; Tổ hợp vui chơi, giải trí cao cấp Quản Bạ; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Mã Pì Lèng; Khu du lịch đa trải nghiệm Mê cung đá và dự án đầu tư khách sạn siêu sang tại Cao nguyên đá Đồng Văn của Tập đoàn Banyan Tree và tập đoàn Thiên Minh...
Kết quả cho thấy chỉ tính riêng đến năm 2018, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt hơn 1 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt gần 300 nghìn lượt người; doanh thu từ du lịch tăng lên đáng kể, đạt 1.150 tỉ đồng. Với những nỗ lực đó, Hà Giang hy vọng sẽ thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với địa phương trong thời gian tới.
Chè Shan tuyết là một trong những sản phẩm đặc sản của các địa phương phía Tây của tỉnh. ảnh: Phan Mạnh |
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp du lịch bao gồm doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến du lịch để thấy rõ hơn hiện trạng và tiềm năng phát triển DLCĐ tại Hà Giang qua góc nhìn của các doanh nghiệp du lịch. Điểm khảo sát được tiến hành ở 2 huyện đại diện phía Tây tỉnh Hà Giang là huyện Xín Mần và huyện Hoàng Su Phì.
Tài nguyên thiên nhiên và cơ sở vật chất của một địa phương sẽ quyết định đến việc đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) du lịch. Đánh giá về hiện trạng tài nguyên thiên nhiên và cơ sở vật chất của Hà Giang, các doanh nghiệp cho rằng Hà Giang là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên thuận lợi để phát triển DLCĐ, tuy nhiên các điều kiện về cơ sở vật chất hiện tại còn rất khó khăn. Điều này được thể hiện ở kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu vào tháng 9 năm 2019: 100% ý kiến các DN khi được phỏng vấn đều trả lời ở mức đồng ý và hoàn toàn đồng ý với ý kiến Hà Giang có “Điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng”, “Điều kiện tự nhiên đặc sắc” “Khí hậu tại khu du lịch trong lành, mát mẻ”. Khi được phỏng vấn về yếu tố giao thông và phương tiện đi lại thì 100% các DN đều nhận định, địa phương có giao thông và phương tiện đi lại không thuận lợi, còn thiếu nhiều chỉ dẫn địa lý. Các DN đánh giá tương đối khá tốt về hệ thống thông tin liên lạc của tỉnh.
Để thu hút và phục vụ thật tốt cho khách du lịch thì hiện trạng cơ sở lưu trú và các dịch vụ ăn uống có vai trò rất lớn đến hành vi quyết định đi hay không đi của du khách. Khảo sát của nhóm nghiên cứu về hiện trạng cơ sở lưu trú và các dịch vụ ăn uống, ý kiến đánh giá của các DN là cơ sở lưu trú như cơ sở vật chất tại nơi lưu trú đảm bảo yêu cầu; không gian nghỉ ngơi thoáng mát, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh; cơ sở lưu trú tạo nhiều không gian thư giãn, trải nghiệm cho du khách; có nhiều dịch vụ cho du khách (trải nghiệm đời sống ẩm thực, văn hóa… của người dân bản địa). Dịch vụ ăn uống bao gồm các tiêu chí như địa phương có nền văn hóa ẩm thực phong phú và đặc sắc; các món ăn phục vụ khách du lịch đa dạng, phong phú; các món ăn phục vụ khách du lịch đảm bảo vệ sinh; cơ sở vật chất phục vụ bữa ăn cho du khách đảm bảo.
Một trong các yếu tố nền tảng cho phát triển du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng chính là văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Các DN du lịch đều đánh giá cao yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa của địa phương như văn hóa truyền thống của người dân bản địa độc đáo và đặc trưng; phong tục tập quán và đời sống của người dân bản địa có nét đặc trưng; các giá trị văn hóa, phong tục và ẩm thực đặc trưng của người dân bản địa được giữ gìn và phát huy. Có thể nói, tỉnh Hà Giang nói chung và 2 huyện khảo sát nói riêng đang có thế mạnh về các yếu tố truyền thống mang đậm bản sắc của người dân bản địa. Trong tương lai, đây vẫn sẽ là những thế mạnh sẵn có của địa phương để các DN du lịch tiếp tục khai thác và phát huy.
Cùng với việc đánh giá các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hiện trạng cơ sở vật chất hay các yếu tố văn hóa, truyền thống thì nghiên cứu còn tiến hành khảo sát đánh giá của các DN du lịch về tiềm năng phát triển DLCĐ trong tương lai. Gần như 100% các DN được hỏi đều đánh giá cao về tiềm năng phát triển DLCĐ tại tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, qua đánh giá của các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì phát triển DLCĐ tại Hà Giang chưa có sự đa dạng về loại hình, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn đặc biệt là giao thông và các phương tiện đi lại. Từ những kết quả phân tích, các DN du lịch đã gợi ý một số hướng phát triển DLCĐ tỉnh Hà Giang trong thời gian tới như phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, mở rộng các chương trình lễ hội, văn hóa tại địa phương.
Về phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng: Theo kết quả khảo sát từ các DN du lịch về phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng thì có 94,74% ý kiến cho rằng, phát triển theo hướng tổ chức các homestay đủ tiêu chuẩn. Hiện tại, ở Hà Giang đã có các homestay nhưng số lượng còn ít và có một số homestay chưa đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, có các sản phẩm nghỉ dưỡng cần đa dạng hơn vì các sản phẩm nghỉ dưỡng hiện nay còn khá đơn giản, chưa có sự kết hợp giữa các yếu tố mới với yếu tố sẵn có của địa phương.
Về nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống: Hướng phát triển tiếp theo mà các DN du lịch đưa ra là cần nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống qua việc sử dụng các thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, cần chú ý đây phải là những món ẩm thực mang đậm nét đặc trưng của người dân bản địa. Thực tế cho thấy, DLCĐ phát triển được là dựa vào các yếu tố truyền thống vì thế các món ăn cũng cần thể hiện được nét đặc trưng của người dân bản địa.
Mở rộng các chương trình lễ hội, văn hóa tại địa phương: Hàng năm, các lễ hội của người dân bản địa vẫn được tổ chức theo phong tục riêng tại các địa phương. Hiện nay, phạm vi của các lễ hội mới chỉ bó hẹp trong phạm vi của thôn, bản làng,… Tuy nhiên, để phát triển DLCĐ thì cần có sự liên kết với các DN du lịch, với cơ quan quản lý của địa phương trong việc tuyên truyền, quảng bá lễ hội đến với du khách. Để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cần tổ chức các lễ hội đặc trưng với quy mô lớn hơn và trong các lễ hội cần tập trung vào các tục lệ quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa phương. Đây chính là những nét độc đáo riêng để tạo nên sự khác biệt giữa các thôn, bản, làng,… mà du khách muốn biết.
Phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương: Bên cạnh các lễ hội thì phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương cũng rất có ý nghĩa với phát triển DLCĐ của tỉnh Hà Giang. Các sản phẩm truyền thống của mỗi địa phương khác nhau hoặc của mỗi dân tộc khác nhau thì sẽ khác nhau. Tùy các điều kiện cụ thể mà có thể phát triển các sản phẩm liên quan đến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ hoặc có thể là các sản phẩm ẩm thực. Việc làm này sẽ giúp du khách khi thăm quan có thể lưu giữ lại những hình ảnh đẹp về bản sắc văn hóa riêng của người dân địa phương.
Phát tiển Hướng dẫn viên du lịch là những người bản địa: Theo đánh giá của các DN du lịch, để người dân bản địa trở thành các hướng dẫn viên du lịch thì cần có sự phối kết hợp với địa phương, các cơ sở đào tạo trong việc mở lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch và các nghiệp vụ liên quan đến du lịch, đào tạo chuyên sâu về du lịch và thăm quan học tập tại các mô hình liên kết DLCĐ có chất lượng. Có như vậy, khi người dân bản địa trở thành hướng dẫn viên du lịch mới giới thiệu được hết những nét đẹp cả về tự nhiên, văn hóa cũng như bản sắc của địa phương.
Thời gian qua, với việc thực hiện có hiệu quả Chương trình 29-CTr/TU ngày 24/7/2017 của BTV tỉnh ủy Hà Giang đã cho thấy: “Phát triển DLCĐ đang và sẽ là hướng đi trọng tâm trong mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh Hà Giang”. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng song với những tiềm năng sẵn có của tỉnh kết hợp với một số gợi ý từ DN du lịch được khảo sát về các hướng phát triển DLCĐ cùng sự quyết tâm cao từ chính quyền địa phương và người dân, DLCĐ sẽ thành điểm sáng cho tỉnh Hà Giang trong thời gian tới.
TS Nguyễn Thị Phương Hảo
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên
Ý kiến bạn đọc