"Tuổi hoa" với những hàng rau trên phố
BHG - Chậm bước xuống cuối ngõ phố, khẽ gạt nước mắt, bé gái nghẹn ngào nói với người thân: “Cháu vừa bị bắt hết rau rồi!”. “Sao cháu không nói mẹ ốm, cần tiền bán rau để mua thuốc mà xin các chú!” (chú – cán bộ Quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) – PV). Chứng kiến câu chuyện trên của cháu Nguyễn Thị Niên, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang (TPHG) nhiều người không khỏi chạnh lòng. Chạnh lòng hơn khi mỗi kỳ nghỉ hè, có biết bao trẻ em phụ bố, mẹ bán hàng nông sản, rong ruổi quanh TPHG hoặc lén bán ở những nơi không được phép, để rồi thấp thỏm nỗi lo người thực thi pháp luật…
Mùa Hè đến, trên địa bàn TPHG, đặc biệt là khu vực quanh Chợ trung tâm thành phố (phường Trần Phú), hình ảnh nhiều em bé bán hàng rau, củ, quả đã trở nên quen thuộc với nhiều người nội trợ. Ví như em Trần Đăng Vũ, học sinh trường THCS Quang Trung; Vũ Thị Niên, học sinh lớp 7, Trường THCS Phương Thiện hay em Vũ Thị Hoài Thu, học sinh Trường THPT Ngọc Hà… Gấp sách, vở sau một năm học dài, các em lại tất bật phụ giúp bố, mẹ bán hàng nông sản mưu sinh hoặc kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Hình ảnh này đọng lại trong tâm khảm nhiều người sự cảm thương. Bởi, trong lúc nhiều bạn cùng trang lứa có kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú với những chuyến du lịch cùng gia đình; tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hoặc trau dồi năng khiếu tại nhiều cơ sở bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh… thì các em lại gánh lên vai một phần trách nhiệm kiếm thêm thu nhập.
Nhiều “lái buôn nhí” rong ruổi bán hàng nông sản tại khu vực phường Minh Khai. |
Không chỉ có những “lái buôn nhí” khu vực TPHG mà nhiều em nhỏ của xã Phong Quang (Vị Xuyên) cũng tìm về Chợ trung tâm thành phố… với ước mong nơi đô thị đông đúc, các em sẽ bán đắt hàng. Lẫn trong dòng người tấp nập không khó để nhận ra “bộ ba bán hàng rau” là em Dinh Thị Mỷ, Dinh Thị Hằng, Vàng Thị Diên cùng trú tại thôn Lùng Pục (xã Phong Quang). Với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng sở hữu giọng nói lưu loát và trong trẻo, Mỷ giới thiệu với chúng tôi: Ba chị em cháu cùng học Trường THCS Phong Quang. Cháu học lớp 6, chị Hằng lớp 7, chị Diên học lớp 8. Từ hồi học lớp 3 đến giờ, kỳ nghỉ hè nào chúng cháu cũng đi bán rau. Ngày bán đắt hàng, cháu kiếm được 200 nghìn đồng. Hôm nào “ế” thì chỉ có 70 nghìn đồng thôi!...
Để kiếm được số tiền trên, thực sự các em rất vất vả. Đó là việc phải địu trên vai chiếc quẩy tấu chứa 17 – 20 kg hàng nông sản và đi bộ khoảng 8 – 9 cây số để ra Chợ trung tâm thành phố bán rong. Có những buổi, các em rời nhà từ 6 giờ sáng và trở về ăn bữa cơm trưa khi đồng hồ điểm 13 giờ. Đó chưa kể việc địu hàng đi bán gặp mưa rào bất chợt hay nắng như đổ lửa mùa Hạ sẽ vất vả đến dường nào. Khi chúng tôi hỏi: “Nghỉ Hè, các cháu có tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hay học năng khiếu không?”. Và tất nhiên, cử chỉ lắc đầu của các bé như muốn giãi bày: Những hoạt động trên là thứ gì đó xa xỉ quá!. “Các cháu có biết việc bán hàng rong trên lòng đường đô thị, vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng là vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Nhà nước không?”. Mỷ nhanh nhảu: “Cháu có biết. Vì các chú làm công tác QLTTĐT có nói như vậy”. “Vậy sao các cháu vẫn bán hàng rong?”. Chúng tôi hỏi đến đây, các bé nghẹn ngào: Gia đình chúng cháu khó khăn lắm! Phải phụ bố, mẹ bán rau để có thêm tiền mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày và đầu năm học mới, mẹ sẽ mua sách, vở và quần áo đẹp để đến trường…
Chia sẻ về những điều trên, Chủ tịch UBND phường Trần Phú - Tạ Quang Hạnh - cho biết: Phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân đưa hàng nông sản vào bán ở khu quy hoạch dành riêng tại Chợ trung tâm TPHG. Đồng thời, tuyên truyền trực tiếp hoặc phát tờ rơi về một số nội dung theo Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Song, thực tế cho thấy, công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Vì tâm lý người bán hàng không muốn vào chợ bán hàng, bởi bán rong tiện hơn, thu hút khách hơn. Cùng với đó, khi lực lượng thực thi công vụ dẹp hoạt động bán hàng rong ở vị trí này thì người bán hàng vội di chuyển đến địa điểm khác, tránh mặt và trở lại vị trí cũ tiếp tục bán hàng khi không còn lực lượng QLTTĐT ở đó. Không những vậy, nếu bắt gánh rau, sọt hàng của những “lái buôn nhí”, lực lượng QLTTĐT phường cũng không đành lòng, vì thấy tội nghiệp các cháu nhưng cũng không bằng lòng khi thấy các cháu vì cuộc sống mưu sinh mà vi phạm hành chính…
Không thể phủ nhận, việc bán hàng giúp nhiều trẻ linh hoạt hơn trong giao tiếp, biết cách tính toán, bán hàng hiệu quả để tăng thu nhập. Nhưng hình ảnh những em bé bán hàng nông sản rong ruổi trên nhiều tuyến đường, ngõ phố và nháo nhác chạy khi có lực lượng thực thi công vụ… vẫn tiếp nối qua mỗi mùa Hè; khiến không ít người chạnh lòng và thầm ước, tương lai không xa, các em sẽ có những kỳ nghỉ Hè bổ ích, lý thú của một thời “tuổi hoa”…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc