Khâu Vai, nơi nguyện ước tình yêu và hạnh phúc
BHG - Chỉ mất 3 giây, du khách có thể tìm thấy trên 150.000 bài viết về “Chợ tình” Khâu Vai trên Google; ở đó phản ánh đầy đủ các góc cạnh về phiên “chợ tình” độc đáo trên miền đá Hà Giang. Nhưng để cảm nhận về hơi thở cuộc sống, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi miền cực Bắc của Tổ quốc và đặc biệt để nguyện ước về tình yêu và hạnh phúc bền lâu thì nhất định bạn phải một lần ghé thăm phiên chợ “Phong lưu” này.
Nhiều người đến Chợ tình xin được buộc chỉ tay tại Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà để cầu mong về tình yêu và hạnh phúc. |
Chẳng thể nhớ đã có bao nhiêu mùa hoa Ban, hoa Gạo nở rực trên con đường về chốn hẹn hò, nhưng đến tháng 3 âm lịch hàng năm, đông đảo du khách gần xa lại náo nức tìm về không gian văn hóa chợ tình Khâu Vai. Câu chuyện tình đẹp mà đẫm nước mắt của chàng Ba và nàng Út đã làm rung động trái tim của nhiều người, làm tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông. Câu chuyện ấy không mang vẻ kỳ bí, huyễn hoặc như câu chuyện tình của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ, mỗi năm một lần gặp nhau trên cầu Ô Thước, mà mộc mạc, hoang sơ, mang đậm nét văn hóa truyền thống sâu sắc của đồng bào các dân tộc trên miền đá. Đã gần 100 mùa Xuân đi qua kể từ ngày đôi tình nhân gạt nước mắt, quyết chia tay để cứu hai dòng họ khỏi một cuộc hỗn chiến và cũng chừng ấy thời gian, câu chuyện tình yêu đẹp của họ trở thành huyền thoại trong ký ức của mỗi người dân Mèo Vạc và Khâu Vai trở thành nơi “hò hẹn” của tình yêu đôi lứa. Quan trọng hơn, giá trị nhân văn về tình yêu đó đã được cộng đồng hóa, trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng của đồng bào vùng cao nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc và “Chợ tình” Khâu Vai hôm nay không chỉ là nơi “hò hẹn” của bao cặp tình nhân yêu nhau nhưng không lấy được nhau, mà còn là nơi mà các bạn trẻ chưa yêu, đang yêu, những người đang hạnh phúc bên gia đình... tìm đến. Điều đó minh chứng về ý nghĩa nhân văn của chợ tình Khâu Vai và sức lan tỏa của nó đối với đời sống cộng đồng. Họ đến để nguyện ước về một tình yêu vĩnh cửu và ngày 27.3 (Âm lịch) hàng năm, Khâu Vai không còn là không gian nàng Út hẹn gặp chàng Ba để tâm tình mà trở thành một không gian văn hóa Lễ hội đặc sắc, hấp dẫn, gọi mời.
Trong cái nắng dịu nhẹ đầu mùa Hạ, tiếng khèn Mông da diết gọi bạn tình bên dốc núi; những chiếc váy hoa sặc sỡ đung đưa theo nhịp bước, nụ cười e thẹn trên khuôn mặt đỏ hây của những cô gái tuổi xuân thì, câu hát phưn, hát lượn, chén rượu ngô chếnh choáng men nồng bên chảo thắng cố nghi ngút khói để dốc bầu tâm sự với những người bạn cũ... Một không gian văn hóa làm rung động bất kỳ ai. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trên Cao nguyên đá, Lễ hội “Chợ tình” Khâu Vai năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc: Đêm khai mạc với chương trình nghệ thuật hấp dẫn mang tên “Huyền thoại Khâu Vai”, Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà, Hội thi chim Họa mi hót, giao lưu văn hóa văn nghệ dân gian, các trò chơi gian gian truyền thống, như: Gánh nước bằng ống tre, leo cột chinh phục tình yêu, tung còn, ném pao, đánh yến... Thông qua các hoạt động sẽ giúp du khách khám phá được nhiều nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của người dân vùng cao.
Trong những chuyến “Mục sở thị” Chợ tình trước đây, tôi nghe những người già nhất ở Khâu Vai kể rằng: Ngày xưa, nàng Út và chàng Ba yêu nhau say đắm nhưng không lấy được nhau nên luôn khao khát, trăn trở và đau đáu về hạnh phúc lứa đôi. Ông, bà luôn mong hậu thế có được tình yêu trọn vẹn; có nhiều người khi về “Chợ tình” Khâu Vai, thành tâm nguyện cầu về tình yêu, hạnh phúc đều được toại nguyện, nhiều bạn trẻ về đây chơi chợ, tình cờ gặp nhau rồi cùng nên duyên vợ chồng...
Ai một lần đến, một lần yêu và nhớ... sẽ lại tìm về Khâu Vai để nguyện cầu tình yêu và hạnh phúc như lời thầm kín lắng sâu của chuyện tình yêu đôi lứa...
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc