Du Già - “Nàng tiên” thức giấc

18:26, 06/11/2023

BHG - Xã Du Già nằm ở trung tâm các xã phía Nam huyện Yên Minh, nép mình dưới chân dãy núi Ba Tiên hùng vĩ. Khi có những du khách đầu tiên đặt chân đến khám phá mảnh đất này, Du Già giống như một “nàng tiên” được đánh thức sau giấc ngủ dài. Cuộc sống trở nên nhộn nhịp, bản làng đổi thay, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống khấm khá và no ấm hơn.

Những tháng ngày “ngủ quên”

Là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Yên Minh trên 50 km, cách thành phố Hà Giang gần 70 km, chỉ có duy nhất tỉnh lộ 176B chạy qua với cung đường dài, hẹp, xuống cấp, nhiều khúc cua. Vì vậy, trước năm 2017, Du Già nằm ẩn mình dưới chân dãy núi Ba Tiên thuộc Vườn quốc gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn và dường như “ngủ quên” trên bản đồ du lịch của tỉnh từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu năm 2010.

Một cụm dân cư ở Du Già tựa lưng vào núi Ba Tiên, nhìn ra cánh đồng lúa chín, như bức tranh tiên cảnh
Một cụm dân cư ở Du Già tựa lưng vào núi Ba Tiên, nhìn ra cánh đồng lúa chín, như bức tranh tiên cảnh

Du Già là địa bàn sinh sống của 9 dân tộc: Mông, Dao, Tày, Xuồng, Cao Lan... với trên 1.900 hộ, trên 9.400 khẩu. Người dân chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Cây ngô và lúa là 2 loại cây lương thực chính với tổng diện tích canh tác hàng năm trên 2.200 ha. Chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã khá phát triển và là nơi trao đổi, mua bán bò nổi tiếng trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn vào mỗi phiên chợ thứ 7 hàng tuần.

Mặc dù là xã thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều tiềm năng, nhưng từ năm 2017 trở về trước, du lịch là điều gì đó rất mới lạ đối với người dân nơi đây. Không ai nghĩ sẽ có ngày Du Già đón hàng trăm lượt khách tới tham quan, lưu trú mỗi ngày. Thời điểm trước, Du Già giống như “nàng tiên” đang chìm trong giấc ngủ say. Người dân sống dựa vào phát triển nông nghiệp, chủ yếu theo phương thức tự cung, tự cấp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ chiếm trên 40%.

Đổi thay từ du lịch

Trong 2 kỳ Đại hội gần đây (lần thứ XVI và XVII) Đảng bộ tỉnh đều xác định du lịch là một trong các khâu đột phá để tập trung chỉ đạo phát triển. Thực hiện định hướng trên, với những tiềm năng, thế mạnh đặc trưng riêng có của Du Già, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh lựa chọn nơi đây là trung tâm phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng các xã phía Nam của huyện. Sau gần 10 năm khuyến khích phát triển du lịch, thương hiệu Du Già đã được khẳng định trên bản đồ du lịch của tỉnh và là điểm đến thu hút du khách quốc tế, làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Nàng tiên Du Già thức giấc, trở thành điểm đến của du khách quốc tế khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn
"Nàng tiên" Du Già thức giấc, trở thành điểm đến của du khách quốc tế khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn

Từ một xã chưa có dấu chân du lịch, đến nay trên địa bàn Du Già có 30 homestay, nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu lưu trú cho trên 700 khách lưu trú/ngày, đêm. Hàng chục nhà hàng, quán ăn và các dịch vụ đi kèm được mở ra phục vụ khách du lịch. Giai đoạn 2016 – 2020, Du Già chỉ đón gần 40.000 lượt khách. Nhưng từ đầu năm đến nay, xã đã đón trên 52.000 lượt khách, trong đó có trên 37.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 70 tỷ đồng.

Du lịch phát triển trở thành “đầu tàu” kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển như: Dịch vụ lưu trú, kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, xây dựng hạ tầng, hướng dẫn viên du lịch, biểu diễn văn nghệ dân gian... Từ đó, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Theo thông tin từ UBND xã Du Già, trên địa bàn xã có gần 100 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ với mức lương bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Riêng các hộ làm dịch vụ lưu trú, homestay, vào những dịp cao điểm, lễ hội, có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của khách du lịch, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã ngày càng phát triển, đem lại thu nhập khá cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Du Già, Hoàng Minh Trường khẳng định: Trong 5 năm trở lại đây, nhờ phát triển du lịch, bộ mặt nông thôn của xã thực sự thay đổi. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ. Đời sống người dân nâng lên đáng kể. Đàn gia súc tăng, đạt gần 10.000 con, đàn gia cầm trên 30.000 con. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.

Cần sớm tháo gỡ những bất cập cho Du Già phát triển

Du lịch phát triển tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân, đổi thay bộ mặt nông thôn. Nhưng du lịch phát triển “nóng” trong thời gian ngắn cũng kéo theo những bất cập như là điều tất yếu trong tiến trình phát triển ở Du Già.

Thác Thâm Luông - địa điểm check in, trải nghiệm nổi tiếng ở Du Già
Thác Thâm Luông - địa điểm check in, trải nghiệm nổi tiếng ở Du Già

Xã Du Già được huyện Yên Minh xác định là vùng tập trung phát triển trọng điểm du lịch của địa phương. Với phong cảnh hoang sơ, yên bình của những bản làng bao quanh các thửa ruộng bậc thang và những khu rừng già tạo nên bức tranh tiên cảnh nông thôn miền núi tuyệt đẹp. Nhiều du khách ví Du Già như một “bản tiên” giữa muôn trùng đá núi trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Chính vì vậy, Du Già nhanh chóng trở thành điểm du lịch trải nghiệm, khám phá nổi tiếng của tỉnh. 

Du lịch phát triển kéo theo các dịch vụ đi kèm như nhà nghỉ, homestay, nhà hàng, quán ăn đua nhau “mọc” lên trên địa bàn xã để phục vụ nhu cầu của du khách. Ban đầu là những homestay được cải tạo từ nhà ở cũ của người dân, nhiều bungalow, nhà nghỉ, homestay mới được xây dựng với quy mô ngày càng lớn, chất lượng đa dạng đáp ứng các nhu cầu từ bình dân đến sang trọng của du khách. 

Việc xây dựng ồ ạt các công trình lưu trú phục vụ khách du lịch nhưng không theo kế hoạch sử dụng đất, không có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết về xây dựng làm căn cứ thực hiện và thiếu sát sao trong công tác quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng dẫn đến nhiều công trình vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai. Theo kết quả thanh tra của UBND huyện Yên Minh, giai đoạn 2018 đến nay xã Du Già có gần 50 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được Nhà nước cho phép để xây dựng nhà ở, homestay, công trình lưu trú phục vụ du khách trên đất nông nghiệp…

Du lịch phát triển nóng kéo theo nhu cầu xây dựng cơ sở lưu trú ở Du Già để đáp ứng nhu cầu du khách là tất yếu.
Du lịch phát triển "nóng" kéo theo nhu cầu xây dựng cơ sở lưu trú ở Du Già để đáp ứng nhu cầu du khách là tất yếu.

Chủ tịch UBND xã Du Già Hoàng Minh Trường chia sẻ: Trước sự phát triển “nóng” của du lịch, trong khi giai đoạn từ năm 2018 đến nay trên địa bàn xã chưa có các doanh nghiệp vào đầu tư dịch vụ lưu trú quy mô lớn. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, chủ trương của huyện và xã khuyến khích người dân trên địa bàn cải tạo nhà ở thành homestay và xây dựng mới các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. Đồng thời đề xuất tỉnh sớm có chủ trương quy hoạch phát triển du lịch cho Du Già để có căn cứ pháp lý cụ thể cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, do lượng khách đến xã tăng đột biến nên để đủ phòng lưu trú cho du khách, nhiều hộ đã xây dựng các cơ sở lưu trú trên đất nông nghiệp.

Từ thực tiễn trên, năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch xã Du Già với quy mô trên 6.923 ha. Xác định mục tiêu phát triển xã Du Già theo hướng: Công viên hạt nhân - Công viên Du Già; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Khu đô thị du lịch; Trung tâm dược liệu, chăm sóc sức khỏe; Khu trang trại nghỉ dưỡng kết hợp homestay đặc sắc của tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời bảo tồn và khai thác các giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, đến nay Đồ án Quy hoạch này vẫn chưa hoàn thành. Hiện, xã Du Già mới được phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã (thôn Cốc Pảng) với diện tích khoảng 78ha. Điều này ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý Nhà nước của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: Huyện ủy, UBND huyện luôn coi công tác quản lý lĩnh vực đất đai, xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm. Nhận thấy những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, BTV Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn; UBND huyện đã thành lập các đoàn thanh tra trách nhiệm quản lý về đất đai, xây dựng đối với Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính một số xã, thị trấn. Qua đó đã xử lý kỷ luật một số tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên để xảy ra sai phạm tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài nguyên nhân chủ quan đến từ việc buông lỏng quản lý và chưa thực sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương thì các định hướng phát triển như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết về đất đai, xây dựng chưa được hoàn thiện, đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển “nóng” của du lịch, dịch vụ nên địa phương gặp khó khăn trong quản lý. Trong khi nhu cầu xây dựng, đầu tư, sản xuất của người dân rất lớn, nhất là ở các xã như Du Già, Lũng Hồ, Lao Và Chải, thị trấn Yên Minh - nơi thu hút lượng lớn du khách dừng chân ngắm cảnh, lưu trú.

Hà Giang mới nhận Giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á. Đây là thành quả của những nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh những năm qua. Điều này cũng cho thấy sức “nóng” đối với sự phát triển du lịch của tỉnh thời gian tới là rất lớn. Trước thực trạng phát triển du lịch và những bất cập trong công tác quản lý đất đai, xây dựng ở Du Già nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung, ngành chức năng của tỉnh cần sớm tham mưu cho tỉnh có những chỉ đạo, định hướng giải pháp tháo gỡ trên cơ sở những điều kiện thực tiễn hiện nay ở các điểm du lịch, nhất là các điểm du lịch mới được khám phá, đang thu hút du khách để vừa có sự khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước ở cơ sở, giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân vùng du lịch. Đồng thời, góp phần giữ vững thương hiệu và ngày càng nâng cao hình ảnh, chất lượng du lịch Hà Giang trong lòng du khách.

Bài, ảnh: Lương Hà

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quyết tâm bỏ hủ tục, xây cuộc sống văn minh

BHG - Việc cưới, việc tang, lễ hội giờ đây được tổ chức đơn giản, tiết kiệm, giảm bớt các nghi lễ rườm rà, tốn kém. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy; những đứa trẻ vị thành niên thoát khỏi nạn tảo hôn để tiếp tục đến trường... Dưới ánh sáng Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, cuộc sống mới tràn đầy niềm vui, hy vọng đang về trên bản, làng.

31/10/2023
Mùa lễ hội mới mẻ, ấn tượng và tự hào

BHG - Lễ hội hoa Tam giác mạch là sự kiện thường niên được tỉnh Hà Giang tổ chức vào cuối tháng 10 hoặc trung tuần tháng 11 Dương lịch khi hoa Tam giác mạch đang thời kỳ nở rộ. Vừa qua, tại Quảng trường Thanh niên, huyện Đồng Văn, UBND tỉnh đã tổ chức thành công chương trình khai mạc Lễ hội Hoa Tam Giác Mạch lần thứ IX, năm 2023 với chủ đề “Cao nguyên đá nở hoa”. Đặc biệt, tỉnh quyết định đưa vào chương trình sự kiện đón Bằng công nhận tái thẩm định tư cách thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho du khách thập phương. 

31/10/2023
Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng

BHG - Vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc. Những năm qua, các tỉnh trong khu vực đã đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, qua đó tạo động lực cho du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

29/10/2023
Khi cán bộ gần dân góc nhìn thực tiễn tại Đồng Văn

BHG - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, xuất phát từ chỗ gắn bó mật thiết với Nhân dân, sống giữa lòng dân, Người thấu hiểu đời sống, tình hình, tâm lý, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Học và làm theo lời Bác trong việc “gần dân, sát dân”, đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV) Đảng bộ huyện Đồng Văn đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.

29/10/2023
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.