Thiếu nhi Hà Giang tự tin trên nghị trường “Quốc hội trẻ em”

10:24, 12/09/2023

BHG - “Lần đầu tiên chúng em được nhập vai lãnh đạo Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; hóa thân thành đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thực hiện trách nhiệm người đại biểu dân cử trước những nội dung quan trọng liên quan tới trẻ em. Đây mãi là ký ức đẹp trong tuổi thơ của chúng em, là động lực, hành trang để chúng em phấn đấu trở thành những vị đại biểu dân cử trong tương lai”. Chia sẻ của em Hoàng Mai Nhi, lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) cũng là cảm xúc chung của 7 thiếu nhi Hà Giang tham dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”.

Tỏa sáng tài năng trên nghị trường

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I năm 2023 diễn ra trong 2 ngày 9 – 10.9 tại tòa Nhà Quốc hội (Thành phố Hà Nội). Đây là phiên họp đặc biệt do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức với sự đồng hành của tổ chức Plan International Việt Nam.

Thiếu nhi Hà Giang dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các chủ đề của Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, góp phần vào thành công của phiên họp.
Thiếu nhi Hà Giang dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các chủ đề của Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, góp phần vào thành công của phiên họp.

Tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, 263 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước được đóng vai, giả định mình là ĐBQH, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư tham gia phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em”. Trong tổng số 263 đại biểu thiếu nhi tham dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Ban Tổ chức đã lựa chọn 31 đại biểu thiếu nhi xuất sắc, tiêu biểu nhất để tiến hành phỏng vấn phân vai các vị trí chủ chốt, nòng cốt của Phiên họp. Đặc biệt, trong 7 đại biểu thiếu nhi của tỉnh Hà Giang tham dự Phiên họp thì có 3 em tham gia ở các vị trí chủ chốt, quan trọng. Cụ thể, em Hoàng Hà Linh, lớp 6A2, Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Hà Giang) đóng vai Phó Chủ tịch Quốc hội; Giàng Thanh Thảo, lớp 9A2, Trường PTDT Nội trú Xín Mần (Xín Mần) – Tổ phó Tổ thảo luận số 6 kiêm Thư ký tổ giả định; Hoàng Mai Nhi – Tổ phó Tổ thảo luận số 8.

Là người trực tiếp phụ trách, hướng dẫn đoàn thiếu nhi Hà Giang tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, chị Hoàng Tường Vi, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi – Trường học (Tỉnh đoàn) kiêm Bí thư Đoàn Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Qua theo dõi phiên họp giả định toàn thể tại Hội trường Diên Hồng do 263 đại biểu trẻ em tham gia điều hành; phiên thảo luận tổ tại Khách sạn Khăn Quàng Đỏ, tôi rất bất ngờ và ấn tượng với thiếu nhi của tỉnh nhà. Các em đã thể hiện sự chuyên nghiệp, phong thái tự tin, chững chạc, trưởng thành, có suy nghĩ chín chắn, lập luận sắc bén góp phần làm nổi bật 2 chủ đề của Phiên họp. Ví như Hoàng Hà Linh là một trong những đại biểu nhỏ tuổi nhất tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” và đóng vai lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội. Linh đã thể hiện xuất sắc vai Phó Chủ tịch Quốc hội, bộc lộ năng khiếu lãnh đạo, tư duy nhanh, nhạy bén, hoạt ngôn. Còn trong phiên thảo luận tại tổ, em Vũ Thế Vinh, lớp 8C, Trường THCS Yên Minh (Yên Minh) và Giàng Thanh Thảo đã tự tin thuyết trình, hùng biện sắc sảo về 2 chủ đề của Phiên họp. Qua phân tích thực trạng, nguyên nhân, các em đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp xác đáng để bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thiếu nhi Hà Giang tự tin thảo luận các vấn đề liên quan đến trẻ em tại nghị trường “Quốc hội trẻ em” (Ảnh CTV).
Thiếu nhi Hà Giang tự tin thảo luận các vấn đề liên quan đến trẻ em tại nghị trường “Quốc hội trẻ em” (Ảnh: CTV).

Tiếp “lửa” trưởng thành        

 7 đại biểu của tỉnh Hà Giang tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” đều là những thiếu nhi tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, tham gia tích cực vào hoạt động của Hội đồng Trẻ em các cấp. “Được tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, tìm hiểu, trải nghiệm về hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đã tiếp “lửa” thổi bùng ước mơ, hoài bão trong chúng em; nhắc nhở chúng em ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trưởng thành trong tương lai; phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo tốt hay người đại biểu dân cử được dân quý, dân tin” – em Chu Tuấn Mạnh, lớp 8A1 Trường THCS Tam Sơn (Quản Bạ) chia sẻ.

Còn em Nguyễn Thảo Phương, lớp 9D1, Trường THCS Vinh Quang (Hoàng Su Phì) bày tỏ: Để góp phần đảm bảo chất lượng, hiệu quả Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, chúng em đã tiến hành khảo sát và thu thập trên 280 phiếu điều tra, gồm 40 câu hỏi liên quan đến 2 chủ đề của Phiên họp. Đối tượng mà chúng em lựa chọn để khảo sát là trẻ em trên địa bàn tỉnh, được phân bổ theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, vùng miền, đảm bảo tính đại diện và khách quan về cơ sở dữ liệu thu thập được cũng như kết quả phân tích, đánh giá. Thông qua phiếu khảo sát, thiếu nhi của tỉnh nhà đã bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi về thực trạng bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em để Quốc hội, các bộ, ngành T.Ư, tổ chức liên quan có thêm cơ sở thực tiễn đề ra những quyết sách liên quan đến trẻ em một cách xác thực, chính đáng, đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ em. Trong quá trình gặp gỡ đối tượng khảo sát để thu thập thông tin đã giúp chúng em hình dung được một phần công việc của các vị ĐBQH. Đó là liên hệ, gắn bó chặt chẽ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri tới Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan. Chính điều này đã thôi thúc chúng em sống có ước mơ, hoài bão, trách nhiệm xã hội, đem tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Đoàn thiếu nhi Hà Giang và các đại biểu bên lề Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” (Ảnh: CTV).
Đoàn thiếu nhi Hà Giang và các đại biểu bên lề Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” (Ảnh: CTV).

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là mô hình rất ý nghĩa và hiệu quả, không chỉ nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, giai đoạn 2021 – 2030 mà còn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng các em trở thành những công dân có trách nhiệm, những nhà lãnh đạo tương lai.

Đối với đoàn thiếu nhi Hà Giang, Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” để lại những cảm xúc khó phai, trở thành nguồn động lực tiếp “lửa” trưởng thành cho các em. “Những ý kiến thảo luận, tranh luận tại nghị trường “Quốc hội trẻ em” của các em đã góp phần tạo cơ sở thực tiễn giúp các cấp, ngành có thêm nguồn thông tin hữu ích để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo môi trường thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện về đức – trí – thể – mỹ”, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi – Trường học”, Hoàng Tường Vi chia sẻ.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cán bộ nêu gương, nhân dân đồng thuận
BHG - Bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn cùng phương châm xuyên suốt “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở huyện Hoàng Su Phì đã khơi dậy mạnh mẽ vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đem đến diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn của huyện.
31/08/2023
Lời Bác sáng trong lòng dân: Kỳ cuối: Mãi xứng đáng với lời khen của Bác
BHG - Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay trên những vùng quê cách mạng, cùng hành trình xây dựng Nông thôn mới không có điểm dừng, bằng bàn tay, khối óc, sức sáng tạo trong lao động, sản xuất của người dân, các xã Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên, Bằng Lang đang kiến tạo những ngôi làng kiểu mẫu với gam màu của sự no ấm, trù phú, xứng tầm vùng động lực của huyện Quang Bình.
30/08/2023
Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 9/2023
Tháng 9/2023 có nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó có những chính sách liên quan đến công chức, viên chức như quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
30/08/2023
Đảng mang sức sống mới về bản Mông “5 không”

BHG - Pờ Chừ Lủng - một thôn 100% là đồng bào người dân tộc Mông đặc biệt khó khăn ở xã Ngam La, huyện Yên Minh từng là bản “5 không”: Không đường, không điện, không nước sạch sinh hoạt, không sóng viễn thông, không hộ trung bình khá. Nhưng nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sức sống mới đang về với Pờ Chừ Lủng.

30/08/2023