Xây dựng “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là sự phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
BHG - Từ những nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khoa học về sự phát triển của xã hội loài người và các cuộc cách mạng tư sản trong thế kỷ XIX, C.Mác và Ăng ghen đã đưa ra “dự báo” về một xã hội tương lai mà trong xã hội đó “không có người bóc lột người”; từ “dự báo” đã trở thành hiện thực bằng sự ra đời của nước Nga Xô viết (năm 1917); nước Nga Xô viết vừa mới ra đời đã phải đối đầu với thù trong, giặc ngoài nhằm bóp chết nhà nước Xô viết. Trước tình hình đó, tháng 3.1921, V.I. Lênin đã ban hành và thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (NEP) thay cho “chính sách cộng sản thời chiến”.
Nội dung chủ yếu trong “Chính sách kinh tế mới” của Lênin là khôi phục và phát triển các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, sử dụng tư bản nhà nước và các thành phần kinh tế khác, coi đó là biện pháp quá độ, “mắt xích” trung gian để chuyển dần sang CNXH, là phương thức để phát triển lực lượng sản xuất… Các quan hệ hàng hóa - tiền tệ trong “chính sách kinh tế mới” khác về bản chất với quan hệ hàng hóa - tiền tệ trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa; Nếu các quan hệ hàng hóa - tiền tệ của chủ nghĩa tư bản là “tự do cạnh tranh” vì lợi nhuận của nhà tư bản thì các quan hệ hàng hóa - tiền tệ trong “chính sách kinh tế mới” là vì lợi ích của người lao động thông qua “chính sách thuế nông nghiệp”. Lênin chủ trương phát triển kinh tế phải gắn liền giữa lợi ích của nhà nước với lợi ích của người lao động, tạo động lực cho người lao động phát triển sản xuất, mục tiêu là chăm lo đời sống người lao động và củng cố chính quyền Xô Viết. Thực hiện “Chính sách kinh tế mới” chỉ trong một thời gian ngắn, nước Nga Xô viết đã vượt qua mọi thử thách và có ý nghĩa thời đại to lớn, nhất là trong công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay.
Kế thừa, phát triển những tư tưởng của Lênin và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ những thành công và cả thất bại của Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta phát động thực hiện đường lối đổi mới, trong đó đổi mới về kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện nhiều chính sách KT-XH nhằm chăm lo cho đời sống các tầng lớp nhân dân, kế thừa và phát triển những tư tưởng của Lênin đã nêu trong “chính sách kinh tế mới” phù hợp với điều kiện mới của nước ta… Với một thời gian không dài, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn cả về kinh tế và xã hội; sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, với nhiều nội dung đã nêu trong “chính sách kinh tế mới” được vận dụng và phát triển sáng tạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta đạt được những thành tựu hết sức to lớn, đã thoát khỏi một nước nghèo, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình; “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Hà Giang, khi bước vào thực hiện đường lối đổi mới là một tỉnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, chính quyền đóng vai trò là “người kiến tạo” hành lang pháp lý để các tổ chức kinh tế cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ cơ chế, chính sách, pháp luật nhà nước; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để sản xuất hàng hóa, bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân… với phương châm lấy dân làm gốc trong công tác chỉ đạo, điều hành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”, tất cả vì lợi ích của nhân dân trong suốt nhiều nhiệm kỳ qua, đến nay Hà Giang từ một tỉnh đặc biệt khó khăn, đã từng bước xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, KT-XH phát triển khá nhanh. Cụ thể như trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 7,8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người dân trong tỉnh đạt con số 34,3 triệu đồng/người; các ngành kinh tế hồi phục, tăng trưởng mạnh, đặc biệt Hà Giang trở thành điểm đến yêu thích, an toàn, thân thiện của đông đảo du khách trong nước và quốc tế với 2,2 triệu lượt khách/năm…
Từ khi bắt đầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cả trên phạm vi cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng cho đến nay, đã tạo ra sản phẩm cho xã hội ngày càng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao… điều quan trọng hơn là làm cho nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng rõ hơn, “chất” CNXH ngày càng đậm nét hơn trong xã hội ta. Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhiệm vụ hiện nay là cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, phát triển lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng… Đây là một quá trình sáng tạo đầy khó khăn, phức tạp… Vì trong lịch sử phát triển của nhân loại chưa hề có tiền lệ, chưa có “mẫu hình” về kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta vừa xây dựng vừa học hỏi, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm trong thực tiễn để phát triển với những giai đoạn, bước đi thích hợp; đòi hỏi phải luôn luôn học tập để nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững những quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, bám sát và nắm vững thực tiễn để vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn của nước ta; phải có quyết tâm cao và hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân, không trông chờ nhưng cũng không nóng vội; song song với đẩy nhanh xây dựng thì phải đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kết hợp “lấy xây để chống và lấy chống để xây”, xây là chính.
Kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng, phát triển một cách sáng tạo tư tưởng của Lênin nêu trong “chính sách kinh tế mới” trong điều kiện mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công thời kỳ quá độ lên CNXH.
Triệu Minh Tư (Phường Trần Phú, thành phố Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc