EU đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi năng lượng
Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất huy động 800 triệu Euro từ quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để phát triển hydro xanh và thúc đẩy các nhà sản xuất sử dụng nguồn năng lượng này. Sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên này sẽ góp phần bổ sung cơ cấu năng lượng của châu Âu, một trong những nhân tố quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai cho Lục địa già.
Trong khuôn khổ Tuần lễ hydro diễn ra mới đây tại Trung tâm Triển lãm Brussels của Bỉ, EC đã ra mắt ngân hàng hydro. Số tiền mà EC đề xuất huy động sẽ được trích từ quỹ EU để hỗ trợ các ngành công nghiệp, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh nền kinh tế hydro đang bùng nổ, khi đề cập đến loạt thí dụ như cơ sở hạ tầng đang được xây dựng tại cảng Rotterdam (Hà Lan), chuyến bay đầu tiên của máy bay chạy bằng hydro lỏng trên bầu trời Slovenia.
Tuần lễ hydro đang hướng đến việc tạo ra mối liên kết giữa EC, các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu và ngành công nghiệp. Với hơn 100 nhà triển lãm, 25 hội nghị bàn tròn và hơn 200 diễn giả, đây là cơ hội tốt nhất để cập nhật những cải tiến, chính sách và sự phát triển mới nhất trong lĩnh vực hydro và tham gia vào lĩnh vực công nghiệp đang phát triển nhanh nhất ở châu Âu.
Tham gia sự kiện Tuần lễ hydro có các nhà sản xuất, công ty kỹ thuật, các nhà lãnh đạo công nghệ, nhà điều hành và nhà sản xuất cơ sở hạ tầng. Nhiều tên tuổi lớn nhất trong ngành đã giới thiệu những phát triển mới nhất trong công nghệ hydro như Boss (Ðức), John Cockerill (Bỉ), hay các công ty đến từ Pháp, Anh, Na Uy, Thụy Ðiển, Brazil… Khách tham quan có dịp tận mắt chứng kiến những cải tiến trong lĩnh vực hydro như máy điện phân, động cơ chạy bằng hydro, nước uống tăng lực chế xuất từ biogas…
Hydro được chú ý trong những năm gần đây như là một trong những giải pháp khử các-bon cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm giao thông, công nghiệp và sản xuất điện. Hydro xanh được xem là một trong những trụ cột của quá trình khử các-bon giúp EU đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050. Ước tính châu Âu đã đầu tư 17 tỷ Euro để hỗ trợ 80 dự án về hydro xanh ở các quốc gia khác nhau.
Ông Peter Collins, phụ trách quan hệ truyền thông của Hydro Europe cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng đã bộc lộ những điểm yếu của châu Âu nhưng cũng cho thấy EU và các quốc gia có nhiều gió và nắng như Tây Ban Nha, Ireland hay Ðan Mạch là những nơi có lợi thế để sản xuất hydro. Tuy nhiên, EU cũng phải nhập khẩu hydro.
Ðây là lý do EU chào đón các đối tác tiềm năng như Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Brazil, Saudi Arabia để chia sẻ công nghệ, bí quyết nhằm phát triển thị trường hydro xanh quốc tế. Sự hợp tác này sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn, nhiều việc làm, phát triển các công nghệ tiên tiến liên quan đến hydro xanh.
Trước xu thế chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, EU ưu tiên phát triển hydro xanh với tham vọng sản xuất 10 triệu tấn vào năm 2030 và nhập khẩu một khối lượng tương tự. Ðức và Pháp mới đây đã tổ chức Diễn đàn Năng lượng Ðức-Pháp lần thứ 6 mang tên "Vai trò của hydro trong các lĩnh vực công nghiệp, phương tiện di động và điện". Diễn đàn đã tập trung thảo luận các vấn đề gồm nhu cầu hydro trong tương lai; chiến lược của hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu và EU trong lĩnh vực phát triển hydro; thách thức về cơ sở hạ tầng, kinh tế và quy định luật pháp phát sinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông, công nghiệp và sản xuất điện.
Chính phủ Ðức đang quyết tâm cùng Pháp và các đối tác khác thúc đẩy phát triển hydro nhằm tạo cơ hội tích cực để định hình sự phát triển thị trường hydro toàn cầu, cũng như các cơ hội kinh tế và bảo vệ khí hậu. Theo Bộ Ngoại giao Ðức, nước này đang dần trở thành một nền kinh tế hydro. Chiến lược hydro quốc gia của Ðức đã tạo cơ sở cho việc này. Bản cập nhật chiến lược của Chính phủ Ðức năm nay đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, trong đó có tính đến những thách thức mới trên thị trường năng lượng.
Bản cập nhật này cung cấp các hướng dẫn và các biện pháp thúc đẩy sản xuất, vận chuyển, sử dụng hydro và những dẫn xuất của hydro. Chiến lược cập nhật cho thấy nhu cầu hydro của Ðức ở mức 95 đến 130 terawatt giờ (TWH) vào năm 2030, trong đó khoảng 50%-70% sẽ là nguồn nhập khẩu. Ngoài ra, Chính phủ Ðức cũng đang triển khai một chiến lược nhập khẩu hydro riêng, với mục đích cung cấp đủ hydro và các dẫn xuất của hydro cho nền kinh tế Ðức.
EU và Pháp đặt mục tiêu trung hòa khí hậu muộn nhất vào năm 2050. Ở Ðức, mục tiêu này được ấn định vào năm 2045. Ðể hoàn thành các mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, trọng tâm chủ yếu của các nước EU là mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, dần loại bỏ năng lượng hóa thạch.
Dự kiến hydro sẽ đóng góp quyết định vào việc đạt được các mục tiêu chính sách năng lượng và khí hậu ở châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giao thông và công nghiệp. Khi thực hiện và định hình quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu lục, Ðức và Pháp đang tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn để đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi và giúp quá trình này mang lại hiệu quả cao nhất.
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc