Tổng thống Mỹ xuống nước trong thỏa thuận hạt nhân với Iran

07:27, 16/04/2015

Cả 9 thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện đều bỏ phiếu ủng hộ dự luật cho phép Quốc hội bỏ phiếu về vấn đề hạt nhân Iran.

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý cho phép Quốc hội quyền xem xét, thậm chí có thể bỏ phiếu đối với thỏa thuận cuối cùng với Iran, dự kiến đạt được trong tháng 6 tới. Đây được cho là sự miễn cưỡng của Tổng thống Mỹ trước sức ép của Đảng Cộng hòa và một số thành viên Đảng Dân chủ.

Dự luật có tên "Đạo luật xem xét chương trình hạt nhân Iran" được thông qua ngày ngày 14/4 tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận được toàn bộ 19 phiếu thuận và không có bất kỳ phiếu chống nào. Cả 9 thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ tại Ủy ban đều bỏ phiếu ủng hộ dự luật cho phép Quốc hội được bỏ phiếu về bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama ký với Iran. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý cho phép Quốc hội quyền xem xét, thậm chí có thể bỏ phiếu đối với thỏa thuận cuối cùng với Iran (ảnh: AFP)

 

Theo dự luật mới, Quốc hội có thể xem lại bất cứ thỏa thuận hạt nhân toàn diện nào với Iran và bác bỏ xác nhận của ông Obama vốn cho rằng Tehran không hỗ trợ các tổ chức khủng bố chống lại Mỹ. Quốc hội cũng có thể từ chối kết quả thỏa thuận toàn diện nếu các điều khoản vẫn tạo điều kiện để Iran phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho biết: “Quốc hội vẫn tham gia nếu thỏa thuận đạt được và nếu không được chấp thuận, Quốc hội vẫn được tham gia. Cứ mỗi 90 ngày chính quyền của Tổng thống Obama sẽ phải chứng thực trước Quốc hội rằng Iran tuân thủ bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào. Nếu trong vòng 10 ngày, Iran vi phạm thỏa thuận thì họ phải có thông báo cho Quốc hội để chúng tôi có thể áp đặt các lệnh trừng phạt nhanh chóng hoặc nếu khi thỏa thuận thông qua sẽ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt”.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin, thuộc Đảng Dân chủ của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện phát biểu sau khi hai đảng đạt được thỏa hiệp rằng: “Tóm lại là không có bất đồng ý kiến ​​trong Ủy ban đối ngoại thượng viện hoặc trong Quốc hội và thỏa thuận này phải có khả năng đảm bảo rằng Iran không trở thành một nhà nước vũ khí hạt nhân".

Ngoài ra, lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng đạt được sự đồng thuận về việc rút ngắn thời gian Quốc hội xem xét và bỏ phiếu về thỏa thuận hạt nhân Iran xuống còn 52 ngày.

Cụ thể, Quốc hội có 30 ngày để xem xét thỏa thuận này, 12 ngày để Tổng thống Obama có thể phủ quyết cuộc bỏ phiếu của Quốc hội và 10 ngày còn lại để các nhà lập pháp Mỹ bỏ phiếu một lần nữa về vấn đề này.

Trong suốt quãng thời gian đó, Tổng thống Obama sẽ không được bác bỏ những lệnh trừng phạt mà Quốc hội Mỹ có thể áp đặt đối với Iran. Điều này cũng đòi hỏi chính quyền Tổng thống Obama phải gửi văn bản thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran cho Quốc hội thẩm tra, đồng thời chặn đứng khả năng chính quyền của Tổng thống Obama dỡ bỏ hàng loạt biện pháp trừng phạt đang nhằm vào Tehran.

Phản ứng trước quyết định của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham khẳng định, Iran sẽ không cho phép những vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ đi trệch hướng tiến trình đàm phán. Những bước đi này đang tạo ra những yếu tố bất lợi cho các cuộc đàm phán giai đoạn cuối cùng.

Các nhà đàm phán quốc tế đã đặt ra thời hạn chót 30/6 tới phải đi đến một thỏa thuận tổng thể và chi tiết cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran dựa trên thỏa thuận khung vừa đạt được cách đây 2 tuần tại Thụy Sỹ.

Bất chấp những tiến bộ, vẫn còn những bất đồng đáng kể giữa Iran và nhóm P5+1 về những vấn đề mấu chốt như tốc độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và việc Iran có được sử dụng các máy ly tâm tân tiến hay không./.

VOV.VN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nigeria tuần hành kỷ niệm 1 năm Boko Haram bắt cóc hơn 200 nữ sinh

Lực lượng Boko Haram tỏ ra tàn bạo không kém gì lực lượng IS.

15/04/2015
Ông Obama đề nghị đưa Cuba khỏi danh sách nước tài trợ cho khủng bố

Hồi tuần trước, Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã khuyến nghị Tổng thống Obama đưa Cuba ra khỏi danh sách đen này.

15/04/2015
Thượng nghị sĩ Marco Rubio tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ

Trong tuyên bố tranh cử Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio kêu gọi thành lập một thế hệ lãnh đạo mới "không bị kẹt lại thế kỷ 20".

14/04/2015
Bà Clinton được nhiều lãnh đạo thế giới ủng hộ tranh cử Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ủng hộ bà Hillary Clinton tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

14/04/2015