Xín Mần chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc
BHG - Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong mùa Đông, huyện Xín Mần đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các biện pháp về phòng, chống đói, rét cho gia súc, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Lù Văn Lìn, thôn Si Khà Lá, xã Pà Vầy Sủ dự trữ rơm khô làm thức ăn cho trâu. |
Đầu vụ Đông năm nay, Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và ban hành chỉ thị cho phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, huyện đã chỉ đạo các ngành trong khối nông nghiệp tăng cường xuống cơ sở, bám sát địa bàn và hướng dẫn cho bà con thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tại xã vùng biên Xín Mần, điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt với các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Vì vậy, để duy trì ổn định đàn gia súc trong mùa Đông, xã đã và đang tăng cường nhiều biện pháp chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Phó Chủ tịch UBND xã Xín Mần, Bùi Văn Phong, cho biết: Hiện tại, toàn xã có 490 con trâu, bò, với 167 chuồng trại/174 hộ dân, trong đó có 112 chuồng trại đảm bảo, 55 chuồng tạm và 7 hộ dân vẫn chưa có chuồng gia súc. Ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo của các cấp, các ngành, xã chủ động kiện toàn lại BCĐ phòng, chống đói, rét và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc vụ Đông - xuân. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân che chắn chuồng trại đảm bảo cho gia súc về mùa Đông; thường xuyên vệ sinh chuồng trại khô ráo, sạch sẽ. Chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc; tuyên truyền cho nhân dân không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống quá thấp, tránh xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét. Chị Sùng Thị Cọt, thôn Tả Mù Cán chia sẻ: Vào mùa Đông nhiệt độ xuống thấp, vì vậy người dân trong thôn đã chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền xã.
Tại thôn Si Khà Lá, xã Pà Vầy Sủ, toàn thôn có 69 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Mông. Phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, mỗi hộ dân đều nuôi từ 2 con trâu, bò trở lên. Vì thế, công tác phòng, chống đói, rét được người dân đặc biệt quan tâm và chủ động từ trước khi mùa Đông đến. Ông Lù Văn Lìn, trưởng thôn cho biết: Do địa hình núi cao, vào mùa Đông nhiệt độ ở Si Khà Lá xuống rất thấp, có nhiều thời điểm còn xảy ra hiện tượng đóng băng nên cây cỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thức ăn cho trâu, bò. Để đàn vật nuôi phát triển tốt, ngoài việc thực hiện biện pháp che chắn chuồng trại, tất cả các hộ dân trong thôn đã tận dụng nguồn rơm khô sau khi thu hoạch lúa để làm thức ăn dự trữ cho gia súc.
Hiện, chăn nuôi đang từng bước trở thành ngành sản xuất chính ở huyện Xín Mần. Ước tính giá trị ngành sản suất chăn nuôi đến cuối năm 2020 đạt 252,63 tỷ đồng, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 36,7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó tổng đàn trâu, bò đạt gần 31 nghìn con, đàn lợn có trên 58 nghìn con. Những năm qua ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho gia súc đã được nâng lên, nhờ thế không có tổn thất về vật nuôi.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc