Kết quả phòng, chống dịch hại trên một số cây trồng chủ yếu
BHG - Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, để chủ động phòng, chống dịch hại trên một số cây trồng chủ yếu, hạn chế thiệt hại thấp nhất về năng suất, chất lượng do sinh vật hại gây ra; ngày 24.2.2016, UBND tỉnh ban hành Phương án Phòng, chống dịch hại trên một số cây trồng chủ yếu, giai đoạn 2016-2020.
Nông dân xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) chăm sóc cây ngô. |
Theo báo cáo của ngành chức năng, diễn biến sinh vật gây hại qua 4 năm cho thấy, các đối tượng sâu bệnh thường xuyên xuất hiện gây hại trên cây lúa như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn,... Năm 2016 có 721,4 ha lúa nhiễm rầy nâu, nhiễm nặng 0,25 ha. Năm 2018 toàn tỉnh có 192 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn; trong đó, nhiễm nặng 15,5 ha, không có khả năng phục hồi 0,5 ha, bệnh đạo ôn cổ bông diện tích nhiễm 0,8 ha. Năm 2019, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 59,158 ha, trong đó, nhiễm nặng 17 ha, bệnh đạo ôn cổ bông diện tích nhiễm 3,6 ha. Còn tại vụ Mùa, sinh vật gây hại chủ yếu bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng… Gần đây nhất, dịch sâu keo mùa thu hại ngô xuất hiện từ tháng 5.2019, với diện tích ngô vụ Xuân bị nhiễm 5.778,2 ha, trong đó có 432 ha nhiễm nặng, 4 ha mất trắng; 163,23 ha ngô vụ Mùa bị nhiễm…
Trong 4 năm qua, tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn về bảo vệ thực vật và phổ biến pháp luật chuyên ngành cho người dân; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai 7 mô hình thâm canh lúa cải tiến, 7 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa, 4 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cam, 5 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè; xây dựng triển khai 3 mô hình tổ dịch vụ bảo vệ thực vật...
Từ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của các ngành chức năng và các địa phương; qua 4 năm thực hiện phương án, tình hình dịch hại trên một số cây trồng chủ yếu được khống chế, không có dịch hại xảy ra trên diện rộng, năng suất, sản lượng cây trồng được giữ vững, cơ bản không bị ảnh hưởng lớn do dịch hại gây ra. Cơ quan chuyên môn đã thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại và tham mưu cho cấp chính quyền triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hại kịp thời theo quy định. UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phương án, huy động được nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ cho công tác phòng, chống dịch hại cây trồng, giúp chính quyền cấp xã, thôn có kế hoạch chủ động đối với công tác tuyên truyền và tổ chức phòng, chống dịch hại; nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, trừ dịch hại cây trồng.
Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, cho biết: Từ kết quả trên, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng do dịch hại gây ra, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới, tạo ra chuỗi sản phẩm cây trồng có giá trị cao, đáp ứng thị trường trong nước, xuất khẩu, UBND tỉnh đã ban hành Phương án “Phòng, chống dịch hại trên một số cây trồng chủ yếu giai đoạn 2020-2025”, làm căn cứ cho các địa phương, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc