Bộ CHQS tỉnh tích cực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo đề án 1371
BHG - Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” (Đề án 1371), Bộ CHQS tỉnh đã có sự chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc.
Ban Chỉ đạo Đề án 1371 Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo, lựa chọn Ban CHQS 2 huyện Quản Bạ và Vị Xuyên làm điểm trong tổ chức thực hiện Đề án, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác PBGDPL và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở… Phát huy những kinh nghiệm, hiệu quả từ các đơn vị làm điểm, trong quán trình triển khai kế hoạch tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận đợt 2/2023 tại xã Phú Nam, huyện Bắc Mê, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Trung đoàn 877 vận dụng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo và đạt hiệu quả rất cao trong công tác phổ biến pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, như: Tuyên truyền thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các điểm tập trung để tuyên truyền; xây dựng các tờ rơi về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Dự bị động viên để tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các hoạt động dân vận tại địa phương.
Một buổi triển khai Đề án 1371 tại xã Phú Nam, huyện Bắc Mê. |
Để đẩy mạnh công tác PBGDPL cho cán bộ, chiến sỹ, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hình thức, biện pháp hiệu quả, như: Tổ chức lên lớp tập trung; thực hiện mô hình mỗi tuần một điều luật; quán triệt các văn bản pháp luật, điều lệnh, điều lệ, quy định của Quân đội trong sinh hoạt đơn vị, sinh hoạt Đảng, các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân, đối thoại dân chủ trong Ngày Pháp luật; Ngày Chính trị văn hóa tinh thần… tuyên truyền trên truyền thanh nội bộ của các đơn vị; thông qua bảng ảnh, pa nô, áp phích, kết hợp với tủ sách pháp luật để cán bộ, chiến sỹ tự nghiên cứu.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 ở các cấp, nhất là các địa phương vùng biên giới đã chủ động rà soát, nắm chắc tình hình đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp cũng như đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên pháp luật và Người có uy tín ở cơ sở cả về số lượng, chất lượng, đồng thời cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ trực tiếp làm công tác này tại cơ sở.
Ban Chỉ đạo Đề án 1371 cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh phối hợp với cơ quan tư pháp, văn hóa, thông tin và truyền thông địa phương củng cố, luân chuyển, hỗ trợ, bổ sung sách pháp luật cho “Tủ sách pháp luật” tại các phòng đọc, thư viện bố trí tại các xã, phường, thị trấn; xây dựng hệ thống panô, áp phích, khẩu hiệu để tuyên truyền trực quan. Bên cạnh đó, duy trì nền nếp, có chiều sâu nhiều mô hình, phong trào và sáng kiến có hiệu quả đã và đang triển khai thực hiện ở cơ sở; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những biện pháp, cách làm mới, khoa học, hiệu quả trong thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình. Cụ thể như phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới”, “chung sức xây dựng Nông thôn mới”, “Lực lượng vũ trang tỉnh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Dân vận khéo” xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”.
Từ đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở năm 2023 của Bộ CHQS tỉnh đã đạt được một số kết quả như: Tổ chức được 150 buổi tuyên truyền tập trung cho cán bộ, chiến sỹ, thu hút trên 25.000 lượt người nghe; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội được 1.200 tin, bài, ảnh; tổ chức tuyên truyền được 50 lượt/6.500 lượt người dân tại huyện Bắc Mê, Quang Bình, Quản Bạ. Biên soạn 10 luật/36.000 tờ rơi cấp cho một số địa phương làm tài liệu tuyên truyền. Mua sắm mới 15 loa kéo, 18 máy chiếu, 55 khẩu hiệu, 40 panô phục vụ tốt công tác tuyên truyền trực quan… đã thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sỹ trong cơ quan, đơn vị và Nhân dân hưởng ứng tham gia.
Có thể khẳng định, qua triển khai thực hiện Đề án 1371 tại tỉnh Hà Giang đã góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa và biên giới. Đặc biệt, ý thức chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới của Nhân dân được nâng lên, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.
Bài, ảnh: Lê Duẩn (Bộ CHQS tỉnh)
Ý kiến bạn đọc