Làm giàu từ những cánh rừng ở Tân Bắc

08:23, 19/05/2024

BHG - Bằng những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), những cánh rừng ở xã Tân Bắc (Quang Bình) ngày càng xanh hơn. Người dân nơi đây đang nỗ lực làm giàu thêm cho rừng để cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bao năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số Pà Thẻn, Dao, Tày, Nùng sinh sống nhiều đời giữa mênh mông, bạt ngàn núi rừng xã Tân Bắc coi rừng là tài nguyên quý báu, giữ đất, giữ nước, điều hòa môi trường sinh thái trước sự biến đổi của khí hậu. Chính vì vậy, nơi đây có nhiều cánh rừng nguyên sinh với đa dạng các loại gỗ quý, thảm thực vật, thảo dược mọc dưới tán rừng. Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích đạt 5.216 ha rừng. Trong đó, rừng phòng hộ là 1.941 ha; rừng sản xuất là 2.947 ha và còn 327 ha đất chưa có rừng. Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý rừng, UBND xã đã thành lập 1 tổ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã làm tổ trưởng; 7 thôn, bản đều có tổ, đội tuần tra, bảo vệ rừng và xây dựng quy ước, hương ước giữ rừng của cộng đồng dân cư.

Lãnh đạo xã Tân Bắc (Quang Bình) động viên ông Lý Văn Tòng, thôn Nậm O đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.
Lãnh đạo xã Tân Bắc (Quang Bình) động viên ông Lý Văn Tòng, thôn Nậm O đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.

Với phương châm bảo vệ, phòng, chống cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở và phát huy lực lượng, phương tiện 4 tại chỗ, từ năm 2017 - 2023, trên địa bàn xã không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Hơn nửa năm qua, xã không xảy ra tranh chấp, khiếu nại, không có trường hợp nào phải xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thông tin cảnh báo cháy rừng từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh đến các thành viên trong các tổ, đội PCCCR được cập nhật kịp thời qua nhóm, mạng xã hội zalo. Những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao do người dân có đất làm nương rẫy xen canh với rừng như ở thôn: Lủ Hạ, Lủ Thượng, My Bắc, xã đã tổ chức nhiều đợt hướng dẫn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con tuyệt đối không được đốt, phát nương vào mùa khô hanh.

Men theo những cánh rừng già thuộc khu vực phòng hộ, những người cả cuộc đời tình nguyện gắn bó với màu xanh của cây lá như anh Lừu Văn Cương, thôn My Bắc cho biết: “Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng những cánh rừng. Hơn 12 năm đi rừng theo tổ bảo vệ rừng của thôn, bao nhiêu lối mòn tôi đều thuộc như lòng bàn tay, rừng ở đây như mái nhà xanh chở che cho xóm làng sống dưới chân núi. Kể từ khi chính sách chi trả DVMTR đến với chúng tôi, người dân bản địa có ý thức rất cao trong việc bảo vệ rừng. Với hơn 1.300 ha rừng được giao khoán, trung bình mỗi hộ sẽ nhận được số tiền khoảng 1 triệu đồng/năm. Thôn đã làm được nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư nhờ nguồn tiền DVMTR”.

Cùng với việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nhờ sự định hướng kịp thời của cấp ủy, chính quyền, người dân xã Tân Bắc đang đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, chuyển đổi từ trồng rừng cây gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn là cây keo, cây quế để tăng sản lượng và giá trị khi khai thác. Anh Phù Văn Dân, thôn My Bắc cho hay: “Gia đình tôi trồng được hơn 5 ha keo lai giống tốt theo chương trình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân. Vừa rồi, rừng cho khai thác đạt khoảng 50 triệu/ha, cho thu nhập 250 triệu đồng. Trồng rừng kinh tế đã giúp gia đình tôi cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Trong 10 năm qua, số tiền chi trả DVMTR trên địa bàn xã Tân Bắc tăng lên mỗi năm. Cuối năm 2023, các tổ bảo vệ rừng và các hộ dân của xã nhận được hơn 700 triệu đồng tiền DVMTR theo kế hoạch chi trả năm 2022. Những nỗ lực, đóng góp của cộng đồng dân cư trong bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, tái sinh rừng là việc làm rất quan trọng để rừng giữ mãi một màu xanh tươi, yên bình, trở thành động lực giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT - XH tại địa phương.

Bài, ảnh: MỘC LAN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng Nông thôn mới
BHG - Xác định nguồn xã hội hóa (XHH) là động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới (NTM), những năm qua, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương trên địa bàn huyện Đồng Văn đã chủ động kêu gọi các nguồn lực XHH từ các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, nhân dân và nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất, hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông nông thôn… góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên huyện vùng cao, biên giới Đồng Văn.
17/05/2024
Tạo sinh kế bền vững cho người dân Sơn Vĩ
BHG - Đời sống của bà con dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn tại xã biên giới Sơn Vĩ (Mèo Vạc) ngày càng khởi sắc. Thành quả đó chính là kết quả từ những chính sách hỗ trợ trong phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước và sự nỗ lực của chính quyền địa phương.
15/05/2024
Lùng Vài - bản chè cổ bên thành phố
BHG - Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang chừng 13 km, thôn Lùng Vài, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) là một thôn vùng cao nhận được nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Với cảnh vật tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và những quần thể ruộng bậc thang gắn với đời sống bao đời của người dân Lùng Vài. Nơi đây còn được biết đến như một vùng nguyên liệu chè chất lượng, với nhiều cây chè Shan tuyết cổ thụ có hình dáng đẹp, mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
14/05/2024
Dịch vụ môi trường rừng giữ rừng thêm xanh
BHG - Giai đoạn 2017 – 2023, các cộng đồng dân cư, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn huyện Yên Minh được chi trả gần 50 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để quản lý, bảo vệ hàng chục nghìn ha rừng. Nguồn kinh phí DVMTR đã góp phần giữ rừng thêm xanh trên Cao nguyên đá.
14/05/2024