Hỗ trợ người nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia ở Bản Lầy

12:27, 24/04/2024

BHG - Với cách triển khai bài bản, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ chăn nuôi từ Tiểu dự án 2, dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang trở thành điểm tựa thoát nghèo cho người dân thôn Bản Lầy, xã Phú Linh (Vị Xuyên).

Bản Lầy là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phú Linh, toàn thôn có 63 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống của bà con chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt. Những năm qua, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, hệ thống đường giao thông đã được đầu tư xây dựng vào trung tâm thôn và các nhóm hộ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, kết nối sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Đầu năm nay, người nghèo ở Bản Lầy có thêm nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển mô hình nuôi trâu sinh sản.

Chị Lý Thị Thiên phấn khởi khi con trâu từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia đã sinh sản.
Chị Lý Thị Thiên phấn khởi khi con trâu từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia đã sinh sản.

Mô hình nuôi trâu sinh sản có 16 hộ dân trong thôn tham gia, trong đó có 10 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 36 triệu đồng để mua con giống. Xã đã thành lập nhóm chăn nuôi của thôn gồm tổ trưởng, tổ phó và các thành viên quản lý thôn chịu trách nhiệm giám sát, tuyên truyền đến người dân. Nhóm chăn nuôi lựa chọn hộ đáp ứng các tiêu chí của dự án, có khả năng và quyết tâm phát triển kinh tế để thoát nghèo. Đối với việc mua trâu giống cần được đảm bảo con giống đủ 36 tháng tuổi, trọng lượng trâu đạt 280 kg thịt trở lên. Anh Bàn Văn Cam, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lầy cho biết: Sau khi có chủ trương của cấp trên, nhóm chăn nuôi của thôn và Ban Quản lý thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ dân. Tiến hành họp thôn để bình xét các hộ dân thực hiện dự án, công tác giải ngân và cam kết các vấn đề liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của chương trình. Các quy trình thực hiện dự án đều có sự giám sát cộng đồng, có giấy mua bán chứng minh nguồn gốc con giống.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình anh Đặng Văn Cõi, thôn Bản Lầy mua được 2 con trâu để nuôi sinh sản. Anh Cõi chia sẻ: Tôi mua giống trâu ở xã Ngọc Linh, mua 2 con trâu giống với hơn 36 triệu đồng, dự kiến cuối năm sẽ bắt đầu sinh sản. Tôi thấy nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước rất kịp thời và hợp lý cho những hộ nghèo, cận nghèo.

Còn đối với chị Lý Thị Thiên, niềm vui được nhân lên gấp đôi khi một trong 2 con trâu chị mới mua về đã sinh sản. Chị Thiên cho biết: Thu nhập gia đình bấp bênh, được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn phát triển chăn nuôi nên gia đình rất phấn khởi. Từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình tôi đã mua 2 con trâu với giá 36 triệu đồng. Trâu mua về khỏe mạnh, được tiêm phòng đầy đủ và may mắn hơn là sau khi nuôi được hơn 1 tuần thì con trâu của gia đình đã sinh ra một nghé con.

Đồng chí Vũ Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Linh cho biết: Thời gian qua, xã đã thực hiện 2 mô hình theo Chương trình mục tiêu quốc gia tại thôn Bản Lầy gồm có nuôi trâu sinh sản và nuôi lợn bản địa. Đây là những mô hình lựa chọn triển khai căn cứ theo điều kiện thực tiễn của địa phương, thế mạnh vùng và sở thích của người dân. Trong quá trình triển khai, xã thành lập tổ công tác phụ trách phối hợp với nhóm chăn nuôi thôn và các ban, ngành liên quan tiến hành giám sát, nghiệm thu và giải ngân nguồn vốn dự án đảm bảo tính chặt chẽ. Để triển khai dự án có hiệu quả, xã đã tiến hành họp dân theo từng bước cụ thể, trên cơ sở “trưng cầu ý dân”, sở thích chăn nuôi của người dân mà lựa chọn mô hình phù hợp để thực hiện. Mặt khác, công tác giám sát đầu vào lựa chọn con giống, giải ngân và tập huấn kỹ thuật được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, đã tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản đang phát huy được hiệu quả ban đầu và mang lại niềm tin cho nhiều hộ dân thoát nghèo trong tương lai.

Bài, ảnh: Văn Long

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nậm An mùa chè Shan tuyết
BHG - Chủ tịch UBND xã Xã Tân Thành (Bắc Quang), Phan Văn Vinh bật mí: Ở Tân Thành có thôn Nậm An là vùng chè Shan tuyết cổ thụ. Vùng chè này đã được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) công nhận là vùng chè hữu cơ năm 2020. Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Nậm An, của Hợp tác xã (HTX) Vinh Sính đã đạt chất lượng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
24/04/2024
Hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể
BHG - Sáng 23.4, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố về tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.
23/04/2024
Anh Lê Đình Hải thành công từ nghề làm váng đậu
BHG - Váng đậu là món ăn khá quen thuộc, được sử dụng ăn kèm trong các món lẩu, xào hay món chay. Trước đây, khi cần đến sản phẩm này, các tiểu thương hoặc nhà hàng ở thành phố Hà Giang thường phải nhập từ địa phương khác về. Tuy nhiên, hiện nay, tại xã Phương Độ, thành phố Hà Giang đã có cơ sở sản xuất váng đậu, với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo sức khỏe, giá thành cũng rất cạnh tranh với các nguồn váng đậu ở địa phương khác.
23/04/2024
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa
BHG - Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh luôn chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát (KTKS) thị trường hàng hóa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại… qua đó góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy kinh doanh, dịch vụ phát triển lành mạnh.
23/04/2024