Để rừng thực sự là “vàng”

12:14, 04/04/2024

BHG - Tân Thành là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang. Toàn xã có gần 5.000 ha rừng được cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng tiền DVMTR gắn với bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn xã đã và đang mang lại cuộc sống no ấm cho người giữ rừng.

Nậm An và Phìn Hồ là hai thôn vùng cao còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, cả hai thôn này đều đang sở hữu những “cánh rừng vàng” được chi trả DVMTR. Theo đánh giá của Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bắc Quang, Phạm Thị Thơm: “Nhờ chính sách chi trả DVMTR, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có thêm thu nhập nên công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao. Nhân dân có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng tốt hơn. Kết quả điều tra đánh giá trữ lượng giao rừng cộng đồng thôn Nậm An, Phìn Hồ nhiều năm qua cho thấy: Đa phần diện tích rừng từ rừng nghèo lên rừng trung bình, từ rừng trung bình lên rừng giàu với trữ lượng cây đứng đạt trên 200 m3/ha”. Hiện nay, ngoài 43 hộ gia đình, cá nhân của thôn Nậm An, Phìn Hồ thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR thì cộng đồng dân cư của hai thôn trực tiếp quản lý và bảo vệ hơn 3.100 ha rừng được nhận số tiền chi trả DVMTR lên đến hơn 1 tỷ đồng/thôn/năm. Trưởng thôn Nậm An, Triệu Chàn Sinh chia sẻ: Tiền DVMTR ngoài chi trả cho công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng còn góp phần không nhỏ giúp người dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều hộ chủ động mua cây giống về để trồng rừng, trồng cây Thảo quả dưới tán rừng nhằm tăng thêm thu nhập từ nghề rừng hoặc đầu tư xây dựng các công trình phụ đảm bảo tiện ích, mỹ quan. Toàn thôn có 43 hộ thì nay chỉ còn 6 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. 4/6 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo phấn đấu thoát nghèo trong năm 2024.

Lãnh đạo xã Tân Thành (Bắc Quang) kiểm tra diện tích rừng tại thôn Nậm Mu.
Lãnh đạo xã Tân Thành (Bắc Quang) kiểm tra diện tích rừng tại thôn Nậm Mu.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, Thiều Văn Hoàn cho biết: Toàn xã có gần 5.000 ha rừng được cung ứng DVMTR với tổng số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng/năm. Trong đó, 243 hộ được chi trả DVMTR với tổng diện tích rừng gần 630 ha; diện tích còn lại do UBND xã quản lý. Sự thay đổi lớn nhất kể từ khi có chính sách DVMTR chính là ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Bởi, chính sách này không chỉ góp phần gia tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Hàng tháng, cộng đồng dân cư các thôn có thêm khoản thu nhập nhất định phục vụ công tác phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nông thôn. Qua đó, tạo động lực khuyến khích họ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Để vận hành đầu mối chi trả DVMTR, UBND xã Tân Thành đã thành lập Ban quản lý bảo vệ và phát triển rừng cấp xã; tại các thôn thành lập tổ bảo vệ rừng. Hàng năm, Ban quản lý bảo vệ và phát triển rừng của xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn nghiệm thu diện tích rừng được khoán bảo vệ, chi trả tiền DVMTR và giám sát hoạt động bảo vệ rừng của các hộ nhận khoán cũng như các hộ dân trên địa bàn xã. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các thôn có diện tích rừng nằm trong lưu vực cung ứng DVMTR thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, UBND xã còn thường xuyên phối hợp lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát tình hình khai thác, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn. Bởi vậy, trong 5 năm trở lại đây, xã Tân Thành không để xảy ra cháy rừng; các vụ vi phạm lâm luật đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời và có xu hướng giảm.

Hiện nay, UBND xã Tân Thành quản lý 10/12 thôn có diện tích rừng cung ứng DVMTR cho 6 nhà máy Thủy điện gồm: Nậm Mu, Nậm An và các Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4, 6, 8A, 8B. Để có cơ sở phân bổ nguồn kinh phí chi trả DVMTR cho các chủ rừng và bên nhận khoán bảo vệ rừng; năm 2021, UBND xã Tân Thành đã xây dựng phương án và được UBND huyện Bắc Quang phê duyệt làm căn cứ để quản lý sử dụng tiền DVMTR gắn với bảo vệ rừng, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phương án này xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả DVMTR. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng; giảm thiểu các tác động tiêu cực đến rừng, phát huy được chức năng bảo vệ, điều tiết nguồn nước, dòng chảy cung ứng nước cho các đơn vị sản xuất thủy điện, sản xuất của người dân; bảo tồn và duy trì các giá trị đa dạng sinh học của rừng. Hơn nữa, chất lượng rừng được tăng lên thông qua các chỉ số về diện tích khoanh nuôi bảo vệ được nghiệm thu đủ điều kiện chuyển giao thành rừng; rừng phục hồi chưa có trữ lượng đủ điều kiện chuyển sang trạng thái có trữ lượng; độ che phủ rừng của xã từ 65% (năm 2021) tăng lên 76,3% ở thời điểm hiện tại.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã Tân Thành, sự đồng thuận trong nhân dân về thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần bảo vệ tốt tài nguyên rừng; thúc đẩy KT-XH địa phương thêm phát triển, như chia sẻ của Trưởng thôn Nậm An, Triệu Chàn Sinh: “Có rừng mới giữ được đất, được nước, bầu khí quyển mới được điều hòa và người làm nghề rừng có thêm thu nhập xứng đáng”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Đòn bẩy” giảm nghèo từ tín dụng chính sách

BHG - Là trụ cột trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) được các cấp, ngành tích cực triển khai đã tạo ra thay đổi rõ nét trong đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

31/03/2024
Dự án Plan hỗ trợ người dân Xín Mần phát triển

BHG - Sau 3 năm triển khai tại 3 xã của huyện Xín Mần, Tổ chức Plan đã thực hiện 29 dự án, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương. Những dự án do Plan triển khai nhằm giúp đỡ trẻ em thiệt thòi, trọng tâm là trẻ em gái và nhóm thanh niên dân tộc thiểu số, giúp các em có cơ hội học tập, học nghề, tạo sinh kế để nâng cao đời sống cho người dân tại các địa phương khó khăn.

31/03/2024
"Đua với thời gian" trên công trình Đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố Hà Giang

BHG - Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của thành phố Hà Giang và của cả tỉnh. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trong những ngày này, hàng trăm công nhân cùng với nhiều thiết bị máy móc đang hối hả thi công, chạy đua với thời gian, đảm bảo hoàn thành các hạng mục khó, phức tạp dưới lòng sông xong trước khi lũ về (khoảng giữa tháng 4 âm lịch).

29/03/2024
Ngành Nông nghiệp tăng tốc về đích sớm các chỉ tiêu

BHG - Năm 2024 - năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế của tỉnh, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực hoàn thành cao nhất và cán đích sớm các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025.

29/03/2024