"Đua với thời gian" trên công trình Đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố Hà Giang
BHG - Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang là công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của thành phố Hà Giang và của cả tỉnh. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trong những ngày này, hàng trăm công nhân cùng với nhiều thiết bị máy móc đang hối hả thi công, chạy đua với thời gian, đảm bảo hoàn thành các hạng mục khó, phức tạp dưới lòng sông xong trước khi lũ về (khoảng giữa tháng 4 âm lịch).
Để hoàn thành công trình Đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố Hà Giang sẽ cần khoảng 2.550 tấn thép xây dựng và 26.670 m3 bê tông |
Dự án Đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố Hà Giang có quy mô gồm: Xây dựng đập dâng và điều tiết mực nước bằng cửa van phẳng, thoát nước theo địa hình lòng sông, đảm bảo thoát lũ với tần suất an toàn; cửa van điều tiết có nhiệm vụ dâng nước sông Lô đoạn qua trung tâm thành phố Hà Giang về mùa khô. Mùa mưa, cửa van mở hoàn toàn để đảm bảo thoát lũ; cửa van được vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực. Cầu quản lý vận hành kết hợp với giao thông được xây dựng trên đập. Cầu có chiều dài 123,5m, đảm bảo giao thông nội đô theo tiêu chuẩn đường giao thông đô thị, tốc độ thiết kế 50Km/h. Đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài gần 63 mét kết nối hệ thống giao thông hai bên bờ sông, kết nối với đường vành đai phía Nam và Quốc lộ 2…
Lãnh đạo BQL Dự án đôn đốc nhà thầu thi công chuẩn bị tốt các nội dung cho đổ bê tông đáy đập. |
Dự án được khởi công vào đúng mùa mưa lũ, nước sông Lô lên cao, thời tiết mưa nhiều, nắng ít nên nhiều lúc nhà thầu phải tạm dừng thi công để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, hai bên bờ sông độ dốc lớn, mặt bằng yếu khó khăn trong việc tập kết máy móc, vật liệu và lắp đặt Trạm biến áp cung cấp điện cho thi công… nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do đó, chủ đầu tư và nhà thầu luôn túc trực giám sát, làm 3 ca 4 kíp, tăng cường máy móc hiện đại để giảm bớt sức lao động.
Không khí thi công tại công trường đập dâng nước |
Anh Hoàng Văn Hội, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: “Vì đặc thù của dự án này chỉ thi công được trong mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 4 âm lịch, sau đó là lũ về nên chúng tôi đã huy động tất cả máy móc, nhân lực để thi công, làm sao trước khi có lũ là xong phần móng. Trong dịp này, thời tiết thuận lợi anh em công nhân cũng tăng ngày làm 3 ca, thi công cả ngày lẫn đêm, kể cả những ngày nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán vừa qua”.
Các công nhân đang khẩn trương buộc sắt chuẩn bị đổ bê tông đáy đập. |
Theo báo cáo của BQL dự án ĐTXD công trình Nông nghiệp - PTNT và tiến độ thực tế trên công trường, đến thời điểm hiện tại, Dự án đã hoàn thành một số hạng mục quan trọng, khó thi công nhất dưới lòng sông như: Phần móng, đổ bê tông sân tiêu năng, gờ chắn đất sân tiêu năng bên trái đập; bê tông sân thượng lưu; hoàn thành phần đập tràn bên trái, trụ pin T4, T3 đến cao trình +98.5; đã gia công xong 3 khe cửa van; hoàn thành phần tràn tự do bên trái đập; gia công, lắp dựng cốt thép, ván khuôn, đổ bê tông tháp van đến cao trình +102.5 của trụ pin T4, T3; đóng cừ thép và đắp đê quây giai đoạn II và đã thi công xong phần khoan phụt chống thân đập. Đồng thời phá dỡ đê quây giai đoạn I để khơi thông dòng chảy; đào móng thân đập giai đoạn II; đổ bù bê tông hố móng thân đập giai đoạn II. Đối với phần cầu giao thông đã hoàn thành 2 Mố cầu M1, M2, trụ cầu T3, thép trụ cầu T4…
Công nhân đổ bê tông dưới đáy đập – thi công trong điều kiện hết sức khó khăn, chạy đua với lũ. |
Đồng chí Nguyễn Song Tứ, Giám đốc BQL dự án ĐTXD công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: “Đây là công trình trọng điểm của tỉnh, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm theo dõi, chỉ đạo sát sao cả về mặt tiến độ cũng như chất lượng công trình. Đây cũng là công trình có phương án thi công khó, phức tạp lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh ta. Do vậy lãnh đạo Ban thường xuyên túc trực và cử những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm để đôn đốc, giám sát thi công, không chỉ đảm bảo về mặt tiến độ, chất lượng công trình cũng phải được đưa lên hàng đầu. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, mực nước sông Lô xuống thấp, ổn định, Chủ đầu tư là BQL dự án ĐTXD công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tập trung đôn đốc nhà thầu tổ chức thi công ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục khó dưới lòng sông, đảm bảo xong trước khi lũ về, sau đó sẽ tiếp tục thi công các hạng mục khác không bị ảnh hưởng do lũ. Đẩy nhanh được tiến độ thi công, đồng thời đảm bảo được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh giao”.
Đập dâng nước tạo cảnh quan thành phố Hà Giang có tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Công trình hoàn thành sẽ tạo ra lòng hồ với dung tích khoảng 2.2 triệu m3 nước với chiều dài từ vị trí đập dâng đến điểm cuối là 5,9 km, mực nước dâng lên so với hiện tại khoảng 5m nước. Giúp điều hòa không khí, và cải thiện môi trường, tạo không gian du lịch sông nước trong lòng thành phố Hà Giang. Đồng thời kết nối giữa Quốc lộ 2 với Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang và các tuyến đường vành đai tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh. Được biết, để hoàn thành toàn bộ dự án này sẽ cần 505 tấn thép thiết bị và 2.550 tấn thép xây dựng, 26.670 m3 bê tông. |
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc