Phụ nữ Pà Thẻn làm kinh tế từ văn hoá truyền thống

11:11, 23/10/2023

BHG - Trên địa bàn xã Tân Bắc, huyện Quang Bình có một hợp tác xã (HTX) nhỏ, nằm khuất sau tiệm thuốc tây nhưng lại thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách đến tham quan cũng như khách mua hàng bởi các sản phẩm thủ công với màu đỏ đặc trưng của văn hoá dân tộc. Đó là HTX Thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc.

Chị Tải Thị Mai, Giám đốc HTX chia sẻ: Từ năm 2009, nhận thấy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình ngày càng mai một, thế hệ trẻ không mấy mặn mà với văn hoá truyền thống, trong khi lớp người đi trước lại chỉ làm sản phẩm riêng lẻ phục vụ nhu cầu cá nhân, không đủ đáp ứng thị trường; tôi nảy ra ý tưởng thành lập HTX nhằm duy trì, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng thời tạo cơ hội việc làm, phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc trên địa bàn.

Các thành viên HTX Thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc
Các thành viên HTX Thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc

Với tâm huyết ấy, chị Mai – khi đó là Chi hội Trưởng Phụ nữ thôn My Bắc - đã kết nối những phụ nữ Pà Thẻn trong thôn lại cùng nhau làm việc. Năm 2017, HTX Thổ cẩm Pà Thẻn được thành lập với 10 thành viên, chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi, có kinh nghiệm dệt thổ cẩm lâu năm.

Chị Mai cho biết, với những hoa văn cổ truyền, các bác, các cô xã viên đã được học từ khi còn nhỏ, họ rất quen thuộc với công việc này. Tuy vậy, chị vẫn phải tìm hiểu, học hỏi thêm qua các trang sách cổ để hệ thống lại và truyền bá những câu truyện dân gian của dân tộc mình qua từng nét hoa văn đặc trưng ấy.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm bằng khung cửi cổ truyền
Nghệ nhân dệt thổ cẩm bằng khung cửi cổ truyền

Bên cạnh những sản phẩm trang phục truyền thống, chị Mai còn thiết kế, sáng tạo kết hợp thêm nét hiện đại, làm nên những sản phẩm thông dụng như túi, ví, mũ,...làm tăng tính ứng dụng của thổ cẩm.

Để quảng bá sản phẩm của HTX, chị Mai đã tích cực học hỏi, tham gia các hội, nhóm và livestream, đưa hình ảnh sản phẩm lên các trang mạng xã hội, giúp chúng tiếp cận được với nhiều người hơn. Qua đó, những sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn đã được biết đến, đón nhận, có những đơn đặt hàng đi khắp trong và ngoài nước.

Đa dạng các sản phẩm của HTX Thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc
Đa dạng các sản phẩm của HTX Thổ cẩm Pà Thẻn Tân Bắc

Qua 6 năm hoạt động, HTX đã có những thành công nhất định. Các sản phẩm của HTX đều được yêu thích và tin dùng của đông đảo khách hàng, tất cả các mặt hàng thổ cẩm đều có mã vạch, tem truy xuất, bảo đảm chất lượng thương hiệu OCOP của sản phẩm. Trong năm 2022, doanh thu của HTX là hơn 1 tỷ đồng, tạo thu nhập cho các xã viên 3-8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, chị Tải Thị Mai cùng những nghệ nhân trong HTX cũng tổ chức những lớp dạy nghề dệt thổ cẩm dành cho các bạn trẻ, với mong muốn thế hệ sau sẽ tiếp nối, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống.

Chị Mai chia sẻ, trong tương lai, HTX sẽ định hướng phát triển kết hợp du lịch với văn hoá bản địa, lưu giữ nét truyền thống qua ngôi nhà cổ truyền của dân tộc Pà Thẻn, đồng thời quảng bá, tiếp thị các sản phẩm nghề thủ công như nghề dệt, nghề đan lát. Từ đó mang hình ảnh truyền thống dân tộc đến với nhiều người hơn cũng như tạo cơ hội việc làm, phát triển kinh tế cho phụ nữ Pà Thẻn trên địa bàn.

Bài, ảnh: Như Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê quyết tâm bảo vệ “lá phổi xanh”
BHG - Hiện nay, huyện Bắc Mê có tổng diện tích rừng gần 53.700 ha. Trong đó, rừng đặc dụng trên 10.730 ha; rừng phòng hộ trên 17.520 ha; rừng sản xuất gần 25.500 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 63%. Rừng được coi là “lá phổi xanh” không chỉ giúp điều hòa khí hậu mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, huyện Bắc Mê triển khai nhiều cách làm thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, quyết tâm giữ gìn, phát triển, bảo vệ màu xanh cho rừng.
23/10/2023
Phát triển kinh tế từ mô hình “Dân vận khéo”
BHG - Kết hợp các mô hình “Dân vận khéo” để phát triển kinh tế, là chìa khoá giảm nghèo mà cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, việc nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
22/10/2023
Đán Khao phát huy giá trị vùng chè cổ thụ
BHG - Nằm cách trung tâm xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) 17 km, thôn Đán Khao là nơi sinh sống của người Dao, Mông và  Cờ Lao. Đán Khao giáp xã Túng Sán của huyện Hoàng Su Phì nép mình một góc dãy núi Tây Côn Lĩnh, nơi đây từ lâu được biết đến với những búp chè Shan tuyết thơm hương vị núi rừng.
22/10/2023
Bắc Mê phát huy lợi thế nuôi thủy sản
BHG - Tháng 10 về, trên địa bàn huyện Bắc Mê người dân không chỉ tất bật thu hoạch những bông lúa trĩu vàng của vụ Mùa mà còn tranh thủ thời gian rảnh để tu sửa thuyền, lưới đánh cá, tôm… Từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau là mùa nước dâng trên thủy điện Bắc Mê và Na Hang (Tuyên Quang) kéo theo đó là mùa đánh bắt tôm, cá của người dân dọc bờ sông Gâm.
22/10/2023