Quản Bạ nỗ lực giảm nghèo bền vững

15:51, 12/07/2023

BHG - Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Quản Bạ đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, để tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển, thu hẹp dần khoảng cách với miền xuôi.

Hộ nghèo Hầu Sào Ngán, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân được hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi.
Hộ nghèo Hầu Sào Ngán, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân được hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi.

Hộ bà Ngọc Thị Trâm, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân vừa được hỗ trợ tiền mua lợn giống về phát triển kinh tế gia đình theo nguồn vốn của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Bà Trâm cho biết: “Nhà tôi thuộc hộ cận nghèo, được hỗ trợ 7,5 triệu đồng để mua lợn giống. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và gia đình tự bỏ thêm vốn, đến nay nhà tôi đã có đàn lợn đen 10 con để phát triển chăn nuôi. Tôi rất vui mừng khi nhà mình có đàn lợn, phát triển sản xuất, tạo thêm thu nhập”. Tại xã Thanh Vân, năm nay có 180 hộ được hỗ trợ tiền mua lợn giống và 45 hộ được hỗ trợ mua bò giống về phát triển chăn nuôi. Từ đó, các gia đình có thêm nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Để đảm bảo cho công tác hỗ trợ chăn nuôi lợn, bò giúp người dân thoát nghèo, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng công tác khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ; thường xuyên bám sát, tư vấn kĩ thuật, hỗ trợ các gia đình trong quá trình chăn nuôi.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, Nguyễn Đức Nghiệp cho biết: Xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% dân số. Đây là thách thức lớn, nên công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Được hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế được nhân dân đầu tư nhân rộng. Xã căn cứ trên thế mạnh các vùng, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân; kết hợp vận động, tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con.

Hiện nay, huyện Quản Bạ có 52,73% dân số là hộ nghèo; số hộ cận nghèo chiếm 12,84%. Toàn huyện có trên 1.400 hộ nghèo, cận nghèo cần xây mới, sửa chữa nhà ở. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án từ chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, chất lượng đối với từng địa bàn. Năm 2022, huyện Quản Bạ được ngân sách cấp trên 85,1 tỷ đồng nguồn vốn chương trình giảm nghèo, đã giải ngân được hơn 34 tỷ đồng. Năm 2023 huyện được ngân sách giao trên 173,2 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 2,2 tỷ đồng. Theo đó, huyện đã sử dụng để đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới 4 công trình giao thông; 1 công trình giáo dục; 1 công trình nước sinh hoạt; 1 công trình thủy lợi. Đã triển khai được 14 mô hình giảm nghèo tại cộng đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, khó khăn với 7 lớp dạy nghề. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty, doanh nghiệp, các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyên truyền xuất khẩu lao động cho nhân dân. Giảm nghèo về thông tin, huyện đã lắp đặt 9 cụm loa truyền thông internet tại 9 thôn trên địa bàn xã biên giới Bát Đại Sơn với tổng kinh phí 287 triệu đồng.

Theo lãnh đạo huyện Quản Bạ, việc triển khai các chương trình giảm nghèo hiện nay còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc ban hành các văn bản hướng dẫn của cấp trên chưa cụ thể, chồng chéo, không thống nhất và chậm nên khó xác định được phạm vi, đối tượng được thụ hưởng và vùng được đầu tư. Huyện đang đề nghị tỉnh đề xuất với Trung ương cho chủ chương hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo đang hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở như các hộ thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Cho chủ chương hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo, cận nghèo xây dựng nhà vệ sinh do thiếu hụt chỉ tiêu 5.2 “Nhà tiêu hợp vệ sinh” theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 với tổng số 4.360 hộ nghèo, cận nghèo thiếu nhà vệ sinh.

Thông qua sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước. Từ đó, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang hỗ trợ gần 100 triệu đồng cho 2 hộ nuôi cá Tầm bị thiệt hại do thiên tai
BHG - Đêm 28 và ngày 29.6, trên địa bàn thôn Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) xảy ra mưa to kèm theo lũ ống, sạt lở taluy dương khiến 2 hộ chăn nuôi cá Tầm là ông Triệu Chàn Loàng và Phạm Văn Nhiêu bị thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng trên tổng diện tích 0,22 ha nuôi thủy sản; trong đó, hộ ông Nhiêu bị thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.
30/06/2023
Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
BHG - Trong những năm gần đây, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Xín Mần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
28/06/2023
Vị Xuyên giảm nghèo bền vững
BHG - Quyết liệt triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), phát triển "tam nông" thịnh vượng, nâng cao chất lượng cải tạo vườn tạp (CTVT), nhân rộng mô hình kinh tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, huy động nguồn lực xây dựng nhà ở... là những giải pháp hiệu quả giúp Vị Xuyên vượt xa chỉ tiêu giảm nghèo bền vững sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
28/06/2023
Chanh leo tím trên vùng đất Tự Lập
BHG - Người dân thôn Tự Lập, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đều biết đảng viên Phạm Đức Tương là người tiên phong trồng Chanh leo tím (CLT) mang lại nguồn thu nhập khá. Đồng thời, tạo hướng phát triển cây trồng mới cho bà con học hỏi, áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo đà phát triển KT – XH của địa phương.
12/07/2023