Giữ lối sao chè truyền thống, giữ danh tiếng chè Lũng Phìn
BHG - Nếu ai đã uống chè Shan tuyết Lũng Phìn (Đồng Văn) một lần sẽ không thể nào quên hương cốm đặc trưng, vị ngọt hậu sâu quấn quanh vòm miệng, hương vị ấy chỉ có ở những búp chè Shan tuyết sinh trưởng trên đá tai mèo. Phong thổ đặc trưng của vùng núi đá quanh năm khô hạn và sương mù đã khiến những búp chè nơi đây có nội chất ít vùng nào sánh được. Góp phần làm nên danh trà Lũng Phìn với giá trị không lẫn với vùng nào còn phải kể đến quy trình sao chế được truyền đời của người Mông nơi đây, đó là lối sao chè thủ công bằng chảo gang trên lửa.
Bà Gìang Thị Kía, thôn Cán Pẩy Hở kiểm tra hương vị của mẻ chè vừa sao xong |
Trong ngôi nhà trình tường nhuốm màu thời gian nằm ở thung lũng nhỏ thôn Cán Pẩy Hở, bà Giàng Thị Kía cặm cụi nhóm bếp lửa ở gian trái, bếp được nện bằng đất trông vô cùng kiên cố và giữ nhiệt tốt. Trên lò lửa là một chảo gang, một vật dụng rất đặc trưng trong sinh hoạt của người Mông dùng để sao chừ. Những búp chè được hái từ sáng về hong trên mẹt, trên liếp phơi được bốc vào chảo để sao. Bà Kía cho biết, bình thường chồng bà sẽ là người sao chè, nhưng hôm nay ông đi vắng nên bà sao mẻ chè này. Từng búp chè Shan tuyết được hái 2 lá 1 tôm xanh mọng chứa đựng hương vị của Cao nguyên đá và pha lẫn những huyền tích xa xưa. Mùi hương chè bốc lên, lá chè mơn mởn gặp nhiệt nóng của chảo gang nổ lép bép. Đôi tay trần của người phụ nữ Mông đảo đều từng búp chè trên lửa, đánh thức một thứ mùi đặc trưng của chè Shan tỏa khắp căn nhà trình tường đất cũ kỹ. Và những huyền tích, những câu chuyện về chè Shan tuyết tiến vua được kể lại cùng nhịp mau mắn của đôi tay sao chế thành thạo.
Vườn chè cổ thụ có số lượng và chất lượng tốt của gia đình ông Sùng Sú Sá, thôn Cán Pẩy Hở A |
Không ai nhớ cây chè được trồng từ bao giờ ở Lũng Phìn. Ngày trước đây Sủng Trái, Lũng Phìn và Hố Quãng Phìn đều có chè, những cây chè lớn mọc lẩn trong các núi đá tai mèo. Các cụ mang về và sao chế thủ công trên chảo. Những cân chè ấy người dân bình thường không được uống mà chỉ các quan lại mới được thưởng thức. Chè Lũng Phìn khi pha nước có màu xanh, nhìn kỹ sẽ thấy lớp lông mịn lẫn trong dòng nước như cam lộ, hương vị dịu ngọt chỉ cần nhấp một ngụm là cảm nhận được, là nhớ mãi không quên. Các cụ già trong làng đều kể rằng: Từ xa xưa ở vùng Lũng Phìn, những người có chè và biết làm chè đều không phải nộp các loại thuế cho quan lại phong kiến và địa chủ, thay vào đó là những cân chè thượng hạng… Nghề làm chè sao chảo thủ công được truyền từ đời này qua đời khác theo kiểu cha truyền con nối. Ngày nay, những nghệ nhân lão luyện đã khuất núi dần, nhưng người trẻ vẫn giữ nghề, vẫn giữ cho hương chè Lũng Phìn tạo được danh tiếng “đệ nhất trà” trên đất Hà Giang.
Chị Thào Thị Chứ, thôn Cán Pẩy Hở A chế biến chè theo lối thủ công truyền thống |
Chị Thào Thị Chứ, thôn Cán Pẩy Hở A học nghề làm chè thủ công từ ông bà, cha mẹ khi còn là thiếu nữ nên giờ chị nắm được các bí quyết sao chè thủ công khá nhuần nhuyễn. Những búp chè qua tay chị từ công đoạn hái, hong, sao, vò, sấy rồi lấy hương cần sự cầu kỳ và tỉ mẩn. Cặm cụi, tỉ mỉ và luôn để ý nhiệt độ lửa là điều quan trọng mà người làm chè tâm niệm mỗi khi nhóm lửa sao chè. Nếu lửa quá sẽ khiến chè bị bỏng và gãy cánh nhiều vụn. Mỗi ngày, chị cũng chỉ sao được từ 5-6 cân chè khô thành phẩm. Mỗi người làm chè đều có những bí quyết riêng để khiến từng mẻ chè của mình đạt chất lượng tốt nhất. Thế nên chè Lũng Phìn ngoài chất lượng và hương vị thì giá thành cũng cao hơn các loại chè khác.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ còn sót lại trên núi đá Lũng Phìn |
Đồng chí Thào Mí Và, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lũng Phìn, cho biết: Diện tích chè ở Lũng Phìn hiện tại có gần 100 ha, trong đó hơn 14 ha là chè Shan cổ, phần còn lại được trồng mới cũng đang cho thu hái. Chè Lũng Phìn ngon và chất lượng nhất phải được sao chế từ những cây chè cổ ở thôn Cán Pẩy Hở A và B. Nếu là chè mới trồng những năm gần đây, tuy số lượng nhiều hơn nhưng nội chất chè không bằng, hương vị cũng không gây sự thương nhớ như khi thưởng thức chè hái từ cây chè cổ, dù được chế biến cùng phương thức.
Hiện nay, những cây chè cổ không còn nhiều. Tôi đã cùng Phó Bí thư Đảng ủy xã Thào Mí Và đi khảo sát ở 2 thôn có những đồi chè trước đây rộng lớn hàng trăm cây, nhưng do thời tiết khắc nghiệt, tuổi đời cây già cỗi và thiếu sự chăm sóc của con người nên đã chết dần, chỉ còn trơ trọi giữa núi đá 5 - 7 cây cổ thụ đơn côi. Những cây chè đó tựa như báu vật, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho những nghệ nhân làm ra sản phẩm đủ sức thuyết phục tất cả những tay sành trà nhất. Đồng thời đây cũng là nguồn gen quý để nhân giống chè Shan tuyết đặc biệt sinh trưởng và hấp thụ khí hậu khắc nghiệt của vùng núi đá tai mèo.
Ngày nay, khi các loại máy móc chế biến chè xuất hiện nhiều, hiện đại và tiện lợi giúp người làm chè có thể kiểm soát được nhiệt độ, vòng quay và bỏ được nhiều công đoạn như vò thủ công, đun củi lửa. Nhưng người dân vùng chè Shan tuyết Lũng Phìn, huyện Đồng Văn vẫn giữ lối sao chế chè cổ truyền để từ đó làm nên thương hiệu của danh trà tiến vua một thời.
Trọng Toan