Giải quyết "điểm nghẽn" giao thông
BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược, nhằm giải quyết các “điểm nghẽn” về giao thông, tạo đà thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào biên cương.
Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) được đầu tư xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: KIM TIẾN |
Với đặc thù biên giới, tỉnh ta nhận diện rõ: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT – XH, bảo đảm QP – AN thì phát triển hạ tầng giao thông luôn được ưu tiên hàng đầu, giao thông phải đi trước một bước để tạo tiền đề cho ngành, lĩnh vực khác phát triển. Theo đó, mặc dù nguồn vốn hạn hẹp nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ; nhiều điểm nghẽn lớn về giao thông trong những năm qua được xử lý cơ bản như Quốc lộ 279, 34, đường thị trấn Đồng Văn - Lũng Cú, đường Xín Mần - Bắc Hà, đường ĐT.176B, 183... Đây chính là những kết quả khách quan cho thấy chuyển biến về lượng và chất của kết cấu hạ tầng giao thông, của hiệu quả đầu tư. Qua đó, giúp giảm giá thành vận tải, tăng sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; góp phần quan trọng trong phát triển KT – XH, bảo đảm QP – AN.
Qua tìm hiểu, hệ thống đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, bảo trì như Quốc lộ 2 được nâng cấp đồng bộ đạt cấp III mặt thảm bê tông nhựa; toàn tuyến Quốc lộ 4C, 34, 279 được bảo trì, sửa chữa đảm bảo mặt đường rộng 5 - 5,5 m, giao thông đi lại tương đối thuận tiện. Tỉnh ta tích cực phối hợp lập các thủ tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ đưa vào quy hoạch tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến cao tốc Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Tuyên Quang. Các tuyến đường ra cửa khẩu, đường liên kết vùng từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp như: Đường ra Cửa khẩu Xín Mần - Đô Long, đường liên kết vùng Ngọc Đường - Tùng Bá - Thái An... Thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đầu xây dựng được gần 2.000 km đường bê tông; cải tạo, xây mới trên 2.600 cầu, cống dân sinh.
Tuy nhiên, thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh so với mặt bằng chung cả nước còn kém; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, trở thành rào cản đối với sự tăng trưởng kinh tế; nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi khâu đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh ta tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong việc phát triển hạ tầng giao thông. MTTQ các cấp, các cơ quan dân vận của Đảng, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với việc bảo vệ và phát triển hạ tầng giao thông. Sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu cụm công nghiệp và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, lập quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Các quy hoạch đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; nghiêm túc tuân thủ quy hoạch được duyệt, không để tình trạng đầu tư tư không theo quy hoạch, phá vỡ quy hoạch.
Hoàn thiện các cơ chế chính sách trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thu hút mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào huy động các nguồn lực; hỗ trợ xi măng, kinh phí để đầu tư hệ thống giao thông nông thôn. Để thu hút đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án giao thông; kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng giao thông; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Tin tưởng, với những giải pháp đồng bộ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, sự đồng thuận của nhân dân, khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sẽ mang lại diện mạo mới cho vùng đất địa đầu Tổ quốc; hơn hết, đời sống đồng bào biên cương sẽ ngày một ấm no.
ĐẶNG KIM