Bắc Quang phát triển bền vững chuỗi giá trị chè Shan tuyết
BHG - Là một trong 5 huyện, thành phố sở hữu “vàng xanh” của đất trời cực Bắc, huyện Bắc Quang đã thực hiện chiến lược phát triển bền vững chuỗi giá trị chè Shan tuyết. Qua đó, không chỉ gìn giữ uy tín, danh tiếng chè Shan mà còn nâng cao giá trị, tạo thu nhập bền vững cho người trồng chè.
Sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ tại xã Tân Lập góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang. |
Chè được xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Bắc Quang. Toàn huyện có gần 1,5 nghìn ha chè Shan tuyết, chiếm 25,9% tổng diện tích chè toàn huyện. Chè Shan được trồng tập trung tại 4 xã trong vùng Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Hà Giang, gồm: Tân Lập, Tân Thành, Đức Xuân và Tiên Kiều. Do chưa có sự tác động về hóa chất trong quá trình sản xuất, lại được trồng, phát triển trên những đồi cao, quanh năm mây mù bao phủ nên chè Shan tuyết có lợi thế cạnh tranh và phù hợp để sản xuất, chế biến chè xanh, Ô Long, chè hữu cơ chất lượng cao… Nhờ đó, uy tín, danh tiếng chè Shan tuyết đã vang xa đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, Âu, Mỹ.
Công ty TNHH Trà Hoàng Long cho ra thị trường nhiều sản phẩm chè Shan tuyết chất lượng cao, thu hút người tiêu dùng. |
Thông qua mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp đã thúc đẩy sản xuất chè Shan tuyết huyện Bắc Quang phát triển theo hướng bền vững. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè của địa phương, như: Công ty TNHH Trà Hoàng Long, Công ty TNHH chè Biên Cương, Công ty Cổ phần chè Hùng An, cơ sở chế biến chè Kim Chỉnh, Tổ hợp tác chế biến chè Vinh Sính... đã liên kết với người trồng chè để tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, xuất khẩu. Với liên kết này, người dân được doanh nghiệp ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để đầu tư sản xuất. Sau khi thu hoạch, sản phẩm chè búp tươi được doanh nghiệp bao tiêu theo hợp đồng, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan…
Từ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 209, 86, 29 của HĐND tỉnh, toàn huyện có 74 hộ được giải ngân số tiền hơn 7 tỷ đồng để thâm canh 237 ha chè. Cơ sở chế biến chè Kim Chỉnh của ông Nguyễn Đức Kim, thôn Chu Thượng (xã Tân Lập) được giải ngân số tiền 500 triệu đồng để đầu tư nhà xưởng. Ông Kim không giấu được niềm vui: “Khi chưa đầu tư thiết bị hiện đại để chế biến chè, lợi nhuận chưa đạt 100 triệu đồng/năm nhưng nay, lợi nhuận đã lên đến gần 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sản phẩm chè Shan tuyết Cổng trời I của gia đình đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh”. Cùng với cơ sở chế biến chè Kim Chỉnh, toàn huyện có thêm 2 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: Trà Shan tuyết công phu Độ Khoa, Trà Shan tuyết Hợp Tâm Tương Mai. Kết quả này là minh chứng cho việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nỗ lực quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết của các cơ sở chế biến.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Sản xuất chè Shan tuyết tuy đạt nhiều thành tựu quan trọng, song thực tiễn sản xuất cũng bộc lộ không ít hạn chế như: Việc thả rông gia súc, chăn thả tại vườn chè và thu hái không tuân thủ quy trình kỹ thuật đã ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất, sản lượng và tuổi thọ của cây chè Shan. Việc liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với các hộ sản xuất còn rất hạn chế; thậm chí thiếu sự liên kết chặt chẽ trong quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản, vận chuyển. Trong khi đó, một số hộ trồng chè chưa chú trọng đầu tư thâm canh dẫn đến chất lượng chè búp tươi không đồng đều, năng suất, sản lượng thấp. Ngoài ra, đường đi đến các khu trồng chè gặp nhiều khó khăn làm gia tăng chi phí vận chuyển. Chè Shan chủ yếu mới qua sơ chế nên giá trị sản phẩm không cao…
Khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, UBND huyện Bắc Quang đang xây dựng dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị chè Shan tuyết tại 3 xã: Tân Thành, Tân Lập, Đức Xuân. Khi dự án đi vào cuộc sống với nhiều giải pháp đồng bộ, được kỳ vọng tạo bước ngoặt trong sản xuất, chế biến chè Shan tuyết trên địa bàn huyện. Qua đó, tiếp tục phát triển bền vững và nâng cao chuỗi giá trị chè Shan tuyết theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG