Trồng na Thái gắn với cải tạo vườn tạp

15:35, 31/05/2021

BHG - Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai dự án trồng na Thái có giá trị kinh tế cao gắn với cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ với quy mô 6 ha tại thành phố Hà Giang và huyện Quang Bình gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Lê Đức Vượng, thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang chăm sóc vườn na Thái.
Anh Lê Đức Vượng, thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang chăm sóc vườn na Thái.

Gia đình anh Lê Đức Vượng, thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang có mảnh vườn rộng 0,73 ha. Trước đây chỉ trồng chuối, Sắn dây nhưng giá trị kinh tế không cao. Được biết Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát, triển khai dự án trồng na Thái chất lượng cao trên địa bàn xã, anh Vượng đăng ký thực hiện. Với cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% cây giống, phân bón hữu cơ, vôi bột và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc na, còn lại người dân đối ứng. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, anh Vượng trồng trên 600 cây na Thái. Dẫn chúng tôi thăm vườn na đang lên xanh, anh Vượng chia sẻ: “Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây na sinh trưởng và phát triển tốt, hy vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định. Sau này, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng na và phát triển chăn nuôi thành mô hình kinh tế tổng hợp để tận dụng phân bón cho cây”. Hiện, mô hình trồng na Thái có giá trị kinh tế cao đang được triển khai thí điểm tại xã Ngọc Đường và thị trấn Yên Bình (Quang Bình) với 13 hộ tham gia.

Cây na Thái có ưu điểm sinh trưởng khỏe mạnh, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt, quả to, vị ngọt thanh, ít hạt, thịt quả dai, ít bị nứt khi chín nên thu hoạch và vận chuyển dễ dàng. Có thể trồng xen canh hoặc chuyên canh, cây trồng sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 60 hộ trong và ngoài dự án; thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. 

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phạm Thị Thoa cho biết: “Dự án trồng na có giá trị kinh tế gắn với cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ hướng đến mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đẩy mạnh thâm canh cây trồng, bổ sung dinh dưỡng và các vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cây trồng dễ hấp thụ dinh dưỡng và sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh; tận dụng nguồn tài nguyên đất vườn tạp và trồng cây theo hướng hàng hóa, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Sau khi được nghiệm thu, đánh giá sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh. Trong năm nay, tất cả các chương trình khuyến nông địa phương sẽ tập trung hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp”. 

Bên cạnh dự án trồng na có giá trị kinh tế, Trung tâm đang triển khai dự án mô hình trồng cây lạc xen canh trên đất vườn cam thời kỳ kiến thiết cơ bản gắn với ‘’Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ’’ tại xã Linh Hồ (Vị Xuyên) với quy mô 4 ha, 15 hộ tham gia; hỗ trợ xã Linh Hồ 100 cây cam giống V2, 500 kg phân hữu cơ VG40-Pro; hỗ trợ thành phố Hà Giang triển khai 3 mô hình nuôi cá trong ao. 

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cây lá Khôi tía ở thôn Tân Tiến

BHG - Chúng tôi cùng Bí thư Đảng bộ xã Việt Vinh (Bắc Quang), Hoàng Văn Hùng vào thôn Tân Tiến để thấy người dân trong làng trồng cây Khôi tía.

30/05/2021
Túng Sán - vùng chè Shan cổ dưới đỉnh cao 2.428 m

BHG - Nằm bên sườn dãy núi Tây Côn Lĩnh cao 2.428 m, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì), nơi có nhiều lợi thế về phát triển cây chè Shan tuyết. Với độ cao và thổ nhưỡng đặc biệt, vùng chè cổ Túng Sán có nội chất tốt và giá trị thương phẩm khá cao so với các vùng chè khác. Đồng bào người dân tộc Cờ Lao, Dao, Hoa là chủ nhân của vùng nguyên liệu chè đặc biệt này. Với kinh nghiệm sản xuất chè cổ truyền, cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, trong đó có sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công của tỉnh và Trung ương, đã đưa danh tiếng vùng chè Túng Sán đến với nhiều người sành chè khắp cả nước.

30/05/2021
Trồng trọt bứt phá

BHG - Giai đoạn 2016 – 2020, lĩnh vực trồng trọt chiếm trên 70% cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 41,1 vạn tấn, lớn nhất từ trước đến nay. Giá trị sản phẩm trồng trọt trên đất canh tác bình quân đạt 50,18 triệu đồng/ha… Đó là một số kết quả cho thấy những bứt phá trong lĩnh vực trồng trọt những năm qua.

29/05/2021
Rộn ràng mùa gặt

BHG - Trên những cánh đồng mẫu lớn, lúa đang chín vàng ruộm, tiếng máy gặt liên hoàn, máy tuốt lúa rền vang, nông dân phấn khởi mang "no ấm" về nhà. Tháng Năm, nắng dát vàng trên những thửa rộng, lúa nặng trĩu cúi đầu. Bà con nông dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) tranh thủ thời tiết thuận lợi, thu hoạch lúa Xuân. Là một trong những xã chủ lực về phát triển nông nghiệp của huyện, vụ Xuân này...

29/05/2021