Sản xuất công nghiệp, thương mại trên đà phục hồi
BHG - Vượt qua những khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch Covid – 19, những tháng đầu năm 2021, các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự phục hồi rõ rệt, KT –XH của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Người dân mua hàng tại Siêu thị HT Quang Trung, thành phố Hà Giang. |
Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT – XH trong quý I và cả năm 2021, ngay từ đầu năm, ngành Công thương đã chủ động tham mưu cho tỉnh đối với các lĩnh vực quản lý do ngành phụ trách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh khôi phục sản xuất. Trong lĩnh vực quản lý công nghiệp, ngành hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điểm công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030; triển khai kế hoạch khuyến công năm 2021, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng dự thảo phương án phát triển cụm công nghiệp…
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý I.2021 ghi nhận dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng như: Ván ép, sản phẩm tết bện, điện sản xuất, điện thương phẩm, bột giấy… Chỉ số sản xuất toàn ngành quý I tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất (theo giá thực tế) ước đạt 1.119,33 tỷ đồng, tăng 8,7%. Tuy nhiên, có một số sản phẩm ghi nhận sự sụt giảm như: Bê tông tươi, cấu kiện làm sẵn cho xây dựng… Nguyên nhân là do các doanh nghiệp mới bước vào kế hoạch sản xuất năm 2021, chưa triển khai các hợp đồng mới.
Công tác quản lý thương mại – xuất, nhập khẩu được ngành Công thương cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động như: Ban hành các văn bản triển khai Chỉ thị 15 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; xây dựng dự thảo Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn 2021 – 2025; phối hợp với các đơn vị tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành địa phương. Cùng với đó, đôn đốc các huyện, thành phố chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi năm 2021. Thường xuyên trao đổi với Cục Thương vụ, châu Văn Sơn, Trung Quốc về công tác quản lý, các chính sách áp dụng cho hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp để kịp thời tham mưu cho tỉnh hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước những dự báo tình hình dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, trong những tháng tiếp theo, ngành Công thương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến, chế tạo, sản xuất điện; phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Tăng cường phát triển hạ tầng thương mại, thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ phục vụ du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc