Phối hợp bảo vệ rừng cách làm hay ở Bắc Quang

18:36, 13/03/2021

BHG - Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng: Kiểm lâm, công an, quân sự và UBND 23/23 xã, thị trấn, các công ty lâm nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện Bắc Quang có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và quản lý lâm sản. Cách làm này vừa đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị vừa huy động tối đa nguồn lực ở cơ sở cho công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bắc Quang đo khối lượng tang vật.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Bắc Quang đo khối lượng tang vật.

Bắc Quang là huyện có tài nguyên rừng lớn với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp lên đến gần 80,4 nghìn ha; trong đó, gần 76,8 nghìn ha đất đã có rừng.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) đối diện không ít khó khăn khi diện tích rừng lớn, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng; việc truy quét, ngăn chặn hành vi vi phạm  hoạt động quản lý, BVR, PCCCR cơ bản chỉ được thực hiện khi có thông tin tố giác, tin báo theo vụ việc. Do vậy, tình trạng lấn chiếm rừng, phá rừng, khai thác, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật còn xảy ra. Xuất phát từ thực tế này, Hạt Kiểm lâm Bắc Quang chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, BVR, PCCCR và quản lý lâm sản để tổ chức thực hiện. Trong đó, năm 2016, Quy chế phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự và UBND xã, thị trấn, các công ty lâm nghiệp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR và quản lý lâm sản ra đời, đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác BVR ở Bắc Quang.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Quang, Phạm Thị Thơm cho biết: Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp trọng tâm, mang tính lâu dài để đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa công tác quản lý, BVR; do đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện quy chế phối hợp đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về BVR cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các chủ rừng và nhân dân trên địa bàn toàn huyện, nhất là đối với khu vực xa xôi, hẻo lánh, vùng đặc biệt khó khăn. Riêng các Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham, Vĩnh Hảo… được giao rừng để sản xuất, kinh doanh đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, BVR và PCCCR; thành lập lực lượng chuyên trách BVR thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại trên diện tích rừng được giao.

Quy chế phối hợp trên phát huy hiệu quả trong thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện. Điển hình cho thấy: Công tác phát triển rừng tiếp tục được các cấp, ngành và chính quyền cơ sở chú trọng; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 63,23% (năm 2016) lên 66,28%, tương đương với việc tăng hơn 3.000 ha rừng. Cùng với đó, 23 ban chỉ huy, 137 đội xung kích PCCCR cấp xã; 833 tổ, đội quần chúng BVR và PCCCR cấp thôn, tổ dân phố thường xuyên được củng cố, kiện toàn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Không chỉ tổ chức thực hiện tốt phương án PCCCR, các cơ quan, đơn vị còn phối hợp mở 5 lớp tập huấn, diễn tập PCCCR cho lực lượng PCCCR của xã. Qua đó, góp phần quan trọng giảm dần số vụ cháy rừng trong năm. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang chỉ xảy ra 4 vụ cháy rừng/2 xã Đồng Tiến và Kim Ngọc, với tổng diện tích bị cháy hơn 12,4 ha. Khi xảy ra cháy rừng, các lực lượng phối hợp có mặt kịp thời để chỉ huy công tác chữa cháy và tham gia chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)...

Đặc biệt, căn cứ vào kết quả xử lý các vụ việc xảy ra qua từng năm, Hạt Kiểm lâm Bắc Quang đã xác định rõ địa bàn thường xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, gồm các xã trọng điểm như: Đức Xuân, Liên Hiệp, Đông Thành, Tiên Kiều, Tân Thành... Trên cơ sở đó, Hạt phối hợp với đơn vị hữu quan thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, triệt phá các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm xảy ra. Qua công tác phối hợp, các lực lượng đã phát hiện và xử lý 237 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó: Hạt kiểm lâm phát hiện, xử lý 121 vụ, Công an huyện phát hiện, xử lý 18 vụ và UBND các xã, thị trấn xử lý 98 vụ việc; năm 2020, cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ án hình sự tội vi phạm quy định về khai thác, BVR và lâm sản xảy ra tại xã Kim Ngọc, Bằng Hành…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý, BVR, các lực lượng liên quan đang đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, dự báo tình hình hoạt động của tội phạm, những điểm nóng có thể xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh, nắng nóng kéo dài để có phương án phòng ngừa, ứng phó kịp thời. Tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm về lấn chiếm rừng, phá rừng, khai thác rừng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật…

THU PHƯƠNG 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thành phố Hà Giang nỗ lực đưa Nghị quyết 05 vào cuộc sống

BHG - Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thành phố Hà Giang (TPHG) đang tích cực thi đua, thực hiện sôi nổi để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống.

13/03/2021
Đồng Văn thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân

BHG - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đã và đang được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh. Tại huyện Đồng Văn, Nghị quyết 05 không chỉ làm thay đổi diện mạo những mảnh vườn, mà còn từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế cho người nông dân.

 

12/03/2021
Nỗ lực trở thành trung tâm dược liệu quốc gia

BHG - Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của cây dược liệu, Hà Giang hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thành một trong những trung tâm dược liệu lớn của cả nước. Với nhiều cơ chế ưu đãi, trong giai đoạn 2018 – 2020, chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; nhiều sản phẩm từ dược liệu được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dược liệu quốc gia, tỉnh vẫn cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

12/03/2021
Mèo Vạc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

BHG - Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con nông dân huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân.

12/03/2021