Hà Giang

Nỗ lực trở thành trung tâm dược liệu quốc gia

10:01, 12/03/2021

BHG - Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của cây dược liệu, Hà Giang hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thành một trong những trung tâm dược liệu lớn của cả nước. Với nhiều cơ chế ưu đãi, trong giai đoạn 2018 – 2020, chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; nhiều sản phẩm từ dược liệu được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dược liệu quốc gia, tỉnh vẫn cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Vườn dược liệu của HTX Y học bản địa Quyết Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ).
Vườn dược liệu của HTX Y học bản địa Quyết Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: “Phát triển dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo” là một trong 5 chương trình trọng tâm. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư vào địa bàn tỉnh. Lồng ghép các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công với hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dược liệu trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ chế biến dược liệu như hỗ trợ tiền thuê đất trồng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đặt tại tỉnh (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế); hỗ trợ lãi suất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản dược liệu…

Với nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách nói trên, giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh trồng mới được 4.564,6 ha dược liệu tập trung, đạt 112% kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2020, tổng diện tích dược liệu toàn tỉnh đạt 17.129,5 ha. Trong đó, diện tích cây dược liệu ưu tiên phát triển là 192,8 ha (gồm các loại cây: Đan sâm, Đương quy, Tục đoạn, Ý dĩ, Kim ngân, Atiso, Giảo cổ lam); cây trồng thử nghiệm 17 ha (gồm củ Dòm, Mã đề, Mướp đắng rừng); dược liệu khác 16.919,7 ha. Các doanh nghiệp, HTX sản xuất trong lĩnh vực dược liệu đã thực hiện sản xuất và kinh doanh 39 sản phẩm, doanh thu đạt 17.387 triệu đồng. Năm 2019 có 8 sản phẩm của 5 doanh nghiệp, HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP. Năm 2020, có 7 sản phẩm từ dược liệu được xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có một số sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như: Cao Atiso của HTX Cộng đồng Nặm Đăm; Tinh bột nghệ vàng mật ong và Viên tinh nghệ đen mật ong của HTX Dịch vụ Nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn; Trà thanh nhiệt Bông Sen Vàng của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng…

Từ năm 2018 – 2020, tỉnh đã thực hiện quản lý 6 đề tài, dự án về dược liệu cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng; triển khai 3 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi của Bộ KH&CN với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai tập huấn cho kỹ thuật viên và nông dân về sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến Thảo quả cho nông dân tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quản Bạ, Vị Xuyên…

Đến nay, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu như: Dự án Chuỗi liên kết trồng – chế biến – thương mại các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng. Hiện nay, Công ty đã hoàn thiện nhà máy sản xuất các sản phẩm thuốc từ dược liệu và được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp chứng nhận “thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (GMP). Công ty đã xây dựng vườn ươm sản xuất dược liệu tại huyện Bắc Quang và tiến hành trồng nhiều loại dược liệu tại huyện Bắc Quang và Bắc Mê… Ngoài ra, còn thu hút được nhiều dự án của các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ cao Hà Giang, Công ty Cổ phần Thương mại Phát triển nông, lâm nghiệp Bình Minh…

Chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực; cây dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ dân. Người dân các xã, thị trấn trồng và chăm sóc các loại cây: Thảo quả, Ấu tẩu, gừng, nghệ... cho thu nhập mỗi hộ trung bình từ 20 - 50 triệu đồng/năm; có hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, chương trình phát triển cây dược liệu của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn như: Cơ chế tạo quỹ đất trồng dược liệu, vùng nguyên liệu cũng như cơ chế sử dụng rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng còn hết sức khó khăn, dẫn đến việc phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho chế biến còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn năng lực còn yếu nên chất lượng và nguồn cung giống chưa đảm bảo. Các sản phẩm từ dược liệu của tỉnh chưa đa dạng, sản lượng ít, thị trường tiêu thụ không ổn định; sức cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, quy mô nhỏ, trình độ công nghệ và thiết bị chưa hiện đại. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực dược liệu còn hạn chế; một số doanh nghiệp triển khai dự án hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao…

Để phát triển Hà Giang thành một trong những trung tâm dược liệu lớn của cả nước, trước mắt cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư vào địa bàn tỉnh; đặc biệt quan tâm hỗ trợ với những đơn vị đầu tư theo chuỗi từ trồng đến chế biến. Rà soát lại quy hoạch phát triển dược liệu đến từng loại cây, từng vùng và từng doanh nghiệp; gắn việc trồng với chế biến theo các điều kiện và tiêu chuẩn quy định. Rà soát, xác định lại cây dược liệu chủ đạo, ưu tiên phát triển các cây dược liệu đã trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Chú trọng đào tạo cán bộ làm công tác phát triển dược liệu; nghiên cứu ứng dụng KHCN, hiện đại hóa khâu thu hái, bảo quản, chế biến dược liệu. Đa dạng hóa sản phẩm và tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm dược liệu của địa phương…

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

BHG - Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con nông dân huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân.

12/03/2021
Quyết tâm cải tạo những mảnh vườn khô cằn thành màu mỡ

BHG - Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được xem như "cú hích" thúc đẩy phát triển tam nông của tỉnh. Với tính nhân văn, thiết thực của Đề án, những người nông dân trên địa bàn huyện Quang Bình kỳ vọng nay mai sẽ làm giàu trên chính mảnh vườn của mình.

 

11/03/2021
Dân vận khéo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

BHG - Nhờ đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã lan tỏa sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia với 383 mô hình hoạt động hiệu quả được nhân rộng trên toàn tỉnh. Qua đó, cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển KT-XH. 

11/03/2021
Quản Bạ cả hệ thống chính trị "bắt tay" vào cải tạo vườn tạp

BHG - Ngay sau khi Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp được ban hành, huyện Quản Bạ đã xây dựng Nghị quyết về thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp, giai đoạn 2021 – 2025 và thành lập Ban chỉ đạo với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 500 hộ, với trên 500 vườn.

 

10/03/2021