Những "Xã Nông thôn mới thu nhỏ" ở Bắc Quang
BHG - Tháng 1.2021, thôn Mỹ Tân (xã Tân Quang), An Tiến (xã Hùng An) và Tự Lập (thị trấn Vĩnh Tuy) chính thức trở thành “Thôn phát triển toàn diện (PTTD)”. Thành quả ấn tượng này không chỉ chứng minh cách làm sáng tạo, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang mà còn hình thành nên những “Xã Nông thôn mới (NTM) thu nhỏ”, tạo đà cho việc nhân rộng trên địa bàn huyện.
Tuyến đường bê tông nội thôn với hàng hoa 2 bên đường tạo cảnh quan tại thôn Tự Lập (thị trấn Vĩnh Tuy). |
Trên nền tảng tự chủ - tự quản kiểu mẫu, điển hình về phát triển kinh tế; sau hơn 1 năm xây dựng, 3 thôn Mỹ Tân, An Tiến, Tự Lập đã khoác lên mình diện mạo mới khi đạt 6 tiêu chí “Thôn PTTD”, do UBND huyện Bắc Quang ban hành. 6 tiêu chí này bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống từ chính trị, an ninh trật tự xã hội đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, cảnh quan, đảm bảo sự PTTD về mọi mặt.
Ấn tượng đầu tiên khi đến các “Thôn PTTD” là cảnh quan, môi trường có sự thay đổi rõ nét. 2 bên đường trục thôn của Mỹ Tân được điểm xuyết bởi gần 200 cây Osaka vươn mình xanh tốt cùng hệ thống cây cảnh chạy dọc trục đường thôn và nổi bật bởi sắc hoa của hàng nghìn cây Mẫu đơn. Tương tự như vậy, tuyến đường trục thôn An Tiến dài 800 m, Tự Lập dài 1.200 m thêm rực rỡ khi hai bên đường, muôn sắc hoa đua nhau khoe sắc. Không những vậy, ở cả 3 thôn, các hộ dân còn bố trí, quy hoạch khuôn viên từ nhà ở, cổng, sân, khu sinh hoạt, khu tăng gia sản xuất… đảm bảo tính hợp lý, thẩm mỹ, an toàn và vệ sinh môi trường; nâng tỷ lệ hộ đạt tiêu chí “Nhà sạch, vườn đẹp” ở mỗi thôn từ 81,5 – 87,9%.
Vườn cây ăn quả của hộ ông Nguyễn Thái Học, thôn An Tiến (xã Hùng An). |
Bên cạnh kết quả trên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của “Thôn PTTD” thêm diện mạo mới. Các thôn không có nhà tạm, dột nát; thôn An Tiến có 98% số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, thôn Mỹ Tân và Tự Lập đạt 100%. Nhà văn hóa kiêm trụ sở thôn đảm bảo diện tích xây dựng với đầy đủ các trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định. Các tuyến đường trục thôn được cứng hóa 100%, bề rộng mặt đường tối thiểu 5 m, có hệ thống chiếu sáng với công suất bóng đèn từ 20w trở lên. Riêng tuyến đường ngõ, xóm tại các thôn đều đạt tiêu chí trên 80% được cứng hóa, 100% không lầy lội vào mùa mưa, có bề rộng tối thiểu 2,5 m; đặc biệt, trên 70% số hộ dọc theo tuyến đường có điện chiếu sáng trước cổng nhà. Nổi bật trong đó, thôn Mỹ Tân đã nâng cao chất lượng điện chiếu sáng bằng hệ thống chiếu sáng công cộng lắp trên cột điện và mở rộng mặt đường trục thôn từ 2,5 m lên 7 m (mặt bê tông và lề đường). Để góp phần tạo nên thành công này, 36 hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến gần 10 nghìn m2 đất với trị giá đất, cây cối, hoa màu lên đến hơn 500 triệu đồng.
Thêm một ấn tượng khác, trong phát triển kinh tế, cả 3 thôn đều không có hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 50%. Trong đó, thôn An Tiến có 217/239 hộ khá, giàu, chiếm 90,8% số hộ trong thôn. Không những vậy, cả 3 thôn đều xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Ví như thôn Mỹ Tân có mô hình chế biến chè búp tươi của anh Lưu Trần Hùng cho thu nhập trên 380 triệu đồng/năm; trồng hoa, cây cảnh của hộ ông Hoàng Văn An, Trần Văn Giang, cho thu nhập từ 150 – 180 triệu đồng/hộ/năm. Hơn nữa, từ năm 2017 đến nay, HTX toàn thôn với 67 thành viên luôn duy trì hoạt động sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh hiệu quả, mang lại lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) trên 1,7 tỷ đồng/năm. Thôn An Tiến, Tự Lập có gần 30 mô hình kinh tế với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, tiêu biểu như: Sản xuất gạch không nung, chế biến chè, chăn nuôi lợn, nuôi cá ao, cá lồng hay mô hình trồng cây ăn quả…
Không dừng ở kết quả trên, để trở thành “Thôn PTTD”, hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 100% các chi bộ được công nhận “Chi bộ mẫu”, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đạt danh hiệu “Xuất sắc”; thôn đạt tiêu chuẩn về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, các thôn đều có quy ước, hương ước để xử lý, giải quyết các vấn đề trong thôn; có hệ thống wifi internet đặt tại trụ sở thôn và có website riêng, góp phần tạo nên sự PTTD của thôn.
Chia sẻ thêm về kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: “Thôn PTTD” là cách làm mới của riêng huyện Bắc Quang; do đó không có nguồn lực hỗ trợ của T.Ư và tỉnh nên việc huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn, nhất là thực hiện tiêu chí: “Các tuyến đường trục thôn 100% được cứng hóa, bề rộng mặt đường tối thiểu 5 m”… Song, để đảm bảo nguồn lực, huyện đã lồng ghép vốn các chương trình, dự án đầu tư từ các nguồn ngân sách T.Ư, địa phương. Đi liền với đó, các xã, thị trấn cũng chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, vật liệu, hiến đất và tài sản trên đất… để góp phần cùng ngân sách nhà nước tạo nguồn lực xây dựng thành công “Thôn PTTD”. Hơn nữa, qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của “Thôn PTTD” chính là một “Xã NTM thu nhỏ”. Qua đó, tạo được sự đồng thuận của nhân dân để chung tay xây dựng “Thôn PTTD”, vì lợi ích chính đáng của nhân dân.
Chỉ trong tháng 1 vừa qua, 23/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang đã lựa chọn tối thiểu 1 thôn để đăng ký xây dựng thành “Thôn PTTD”. Trên cơ sở đó, triển khai đánh giá hiện trạng, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng thôn để tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc