Xín Mần nhân rộng các mô hình sản xuất mới
BHG - Nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững; huyện Xín Mần đã triển khai các mô hình thí điểm tại nhiều địa phương, hiệu quả bước đầu đã mở ra hướng đi mới để bà con áp dụng vào sản xuất, tạo sinh kế bền vững tại quê nhà.
Mô hình trồng Mướp đắng rừng gắn với bao tiêu sản phẩm được nhân rộng ra 8 xã trên địa bàn huyện. |
Mô hình trồng Mướp đắng rừng gắn với thu mua bao tiêu sản phẩm được triển khai từ năm 2018 đã đem lại hiệu quả cho bà con các xã Bản Ngò, Nàn Ma và tiếp tục tăng diện tích thực hiện 18,7 ha/8 xã. Mướp đắng rừng là cây trồng cho thu hoạch 2 vụ trong 1 năm, cây rất phù hợp với khí hậu và chất đất của huyện nên phát triển tốt; sản lượng đạt 85-90 tấn/năm. Từ hiệu quả của mô hình trồng Mướp đắng rừng, huyện tiếp tục triển khai dự án trồng Chuối tiêu xanh Nam Mỹ gắn bao tiêu sản phẩm, với diện tích 37,8 ha tại xã Bản Ngò. Cây trồng phù hợp, cho sản lượng cao và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên đã tạo sự yên tâm cho bà con sản xuất. Với sản lượng dự kiến 600 tấn, giá trị sản xuất mang về ước đạt 3,3 tỷ đồng; cây Chuối tiêu xanh đã thực sự là hướng đi mới cho bà con Bản Ngò, góp phần tái cơ cấu cây trồng ở địa phương theo hướng hàng hóa.
Gạo tẻ Già Dui - sản phẩm COP của Xín Mần. |
Trong năm 2020, ngành Nông nghiệp huyện liên kết với Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao Japonica tại xã Khuôn Lùng, Nà Chì với diện tích thực hiện trong vụ mùa là 70 ha. Phối hợp với Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức tổ chức thực hiện mô hình khảo nghiệm nuôi Ốc nhồi tại thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng với diện tích 1.600 m2; sau 5 tháng nuôi, mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế và dự kiến sẽ nhân rộng ra các thôn trên địa bàn xã và các xã Nà Trì, Quảng Nguyên. Cùng đó là mô hình trồng nấm Hoàng Đế gắn với bao tiêu sản phẩm tại xã Tả Nhìu, diện tích 250 m2; mô hình trồng ngô sinh khối với 75 hộ tham gia cho năng suất 54 tấn/ha đã, đang tạo ra những điểm mới về phát triển sản xuất gắn với chuyển đổi cây trồng tại địa phương.
Bên cạnh đưa các mô hình chăn nuôi, trồng trọt được đưa vào thử nghiệm; huyện còn tập trung phát triển các cây trồng, con giống chủ lực có thế mạnh của địa phương gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng. Tổ chức phục tráng giống lúa tẻ Già Dui tại xã Thèn Phàng và lúa nếp tại xã Quảng Nguyên; đến nay, sau 3 năm đã cho kết quả tốt và được xây dựng thành các sản phẩm đặc trưng của địa phương; có bao bì, nhãn mác, Chỉ dẫn địa lý và đạt 3 sao OCOP của tỉnh. Tại xã biên giới Xín Mần, mô hình vườn ươm các giống cây ăn quả, gồm: Mận, lê, hồng với diện tích 7.000 m2 đã giúp bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu địa phương. Mô hình hỗ trợ xây dựng 4 gia trại chăn nuôi lợn nái giống lợn đen địa phương tại xã Bản Ngò, quy mô mỗi gia trại từ 20 con trở lên; mô hình nuôi gà sinh sản giống bản địa có giá trị kinh tế cao với quy mô 3 hộ mỗi hộ 300 con giống tại xã Xín Mần...
Sự quan tâm đến quy trình kỹ thuật trong sản xuất gắn được liên kết với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi bền vững trong ngành Nông nghiệp đang được huyện Xín Mần thực hiện; các mô hình sản xuất mới trên địa bàn các xã đã, đang mang lại hiệu quả; sản phẩm làm ra được bao tiêu đã tạo động lực để người dân phát triển lợi thế của địa phương tạo ra nhiều sản hàng hóa cung cấp cho thị trường cũng như ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN
Ý kiến bạn đọc