Xây dựng lực lượng Kiểm lâm tinh thông nghiệp vụ
BHG - Tỉnh ta có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp lớn, chiếm 72,7% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, tương tương gần 576,3 nghìn ha; trong đó, trên 459,8 nghìn ha đất có rừng. Hơn nữa, tỉnh ta có trên 277 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc. Khu vực giáp biên chủ yếu là rừng tự nhiên, có chức năng đặc dụng, phòng hộ và là nơi bảo tồn nguồn gen quý hiếm của vùng núi phía Bắc Việt Nam. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hoạt động lâm nghiệp cũng chỉ ra rằng: Địa bàn quản lý rộng, phức tạp và bị chia cắt mạnh. Trong khi đó, nhân lực bảo vệ rừng (BVR) chưa tương xứng, lực lượng công chức KL mỏng; cán bộ lâm nghiệp xã phần lớn là cán bộ bán chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều công việc của cơ sở nên chưa dành tối đa thời gian để thoạt động theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực BVR.
Cán bộ Kiểm lâm tỉnh khai thác thông tin, quản lý cháy rừng kịp thời và hiệu quả thông qua hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến. Ảnh: PHƯƠNG THÙY |
Hiện, lực lượng nòng cốt, có chức năng BVR, tham mưu giúp Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BVR, bảo đảm chấp hành pháp luật về BV&PTR ở địa phương chính là Chi cục KL tỉnh. Đơn vị này hiện có 4 phòng chuyên môn, 14 đơn vị trực thuộc, gồm 2 Đội KL cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), 11 Hạt KL các huyện, thành phố và 1 Hạt KL rừng đặc dụng với tổng số 220 biên chế... Xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác BVR; do vậy, việc khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của KL được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, thông qua việc chỉ đạo rà soát, sắp xếp biên chế đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới; giảm biên chế Văn phòng Chi cục KL, Văn phòng các đơn vị trực thuộc để tăng cường lực lượng cho KL phụ trách địa bàn cấp xã nhằm BVR tại cơ sở và những “điểm nóng” về khai thác lâm sản trái pháp luật và cháy rừng. Đến nay, 89,9% công chức KL có trình độ đại học và trên đại học; 35,6% công chức được đào tạo lý luận chính trị trung cấp và cao cấp. Ngoài ra, 85,1% công chức được bồi dưỡng nghiệp vụ các ngạch công chức KL... Đi liền với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ KL, tỉnh ta kiên quyết chấn chỉnh, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong thực thi công vụ. Do đó, 100% cán bộ, công chức KL ký cam kết: “Nói không với lâm sản trái pháp luật, nói không mối liên hệ với các “đầu nậu”, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản” và tự nguyện xin ra khỏi ngành nếu vi phạm những điều cam kết.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Kế |
Ngoài những giải pháp mạnh như trên, năm 2019, Sở NN&PTNT đã phê duyệt phương án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của KL địa bàn; nhằm xây dựng đội ngũ KL đáp ứng 5 tiêu chí: “KL gắn với rừng; tinh thông nghiệp vụ; không vi phạm pháp luật; gần dân và trọng dân”. Hơn nữa, để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của KL đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện về lâm nghiệp trên địa bàn và năng lực tham mưu, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật; Bộ công cụ đánh giá công tác quản lý, BVR đối với công chức KL huyện, thành phố của Chi cục KL tỉnh ra đời. Thông qua Bộ công cụ, cán bộ, công chức KL tự đánh giá mọi mặt hoạt động nghiệp vụ công tác chuyên môn của bản thân. Từ đó, phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa yếu điểm, hạn chế trong thực thi công vụ; khơi dậy tính tự giác hoàn thiện bản thân, phấn đấu trở thành cán bộ KL tinh thông nghiệp vụ để góp sức đẩy mạnh công tác quản lý, BVR, PCCCR.
Theo Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, Bùi Văn Đông: Hiện nay, việc tham mưu cho Giám đốc Sở NN&PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các nhiệm vụ BV&PTR đang do 2 đơn vị thực hiện, đó là: Chi cục Lâm nghiệp (tham mưu quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng, phát triển rừng) và Chi cục KL (tham mưu quản lý nhà nước về BVR và đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp). Do vậy, Chi cục KL đã tham mưu cho Sở trình UBND tỉnh Đề án sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục KL, trực thuộc Sở NN&PTNT. Khi sáp nhập sẽ tăng cường sự thống nhất, tập trung quản lý, chỉ đạo và điều hành của Giám đốc Sở NN&PTNT; giảm đầu mối đơn vị, đảm bảo bộ máy đồng bộ, tránh chồng chéo, thông suốt trong thực thi nhiệm vụ, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, BV&PTR trên địa bàn tỉnh.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc