Trái ngọt từ đồi, vườn tạp
BHG - Sau một nhiệm kỳ Đại hội (2015 – 2020), Bắc Quang đã chuyển đổi trên 4.500 ha diện tích đồi, vườn tạp sang trồng cây ăn quả có múi. Hiện nay, mỗi năm Bắc Quang thu về gần 60.000 tấn cam, quýt, bưởi đặc sản; đem lại doanh thu cả ngàn tỷ đồng. Vườn tạp, đồi tạp đã thành trái ngọt góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nông thôn ở các vùng đồi núi.
Mùa thu hoạch cam vàng tại xã Vĩnh Hảo. |
Thực tiễn minh chứng
Ông Vũ Văn Đạt, thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc, cho biết: Sau gần 5 năm chuyển đổi đồi, vườn tạp sang trồng cây ăn quả; 2 vợ chồng ông đã xây được nhà, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và có tiền gửi ngân hàng. Ông Đạt bộc bạch: Vườn cam, quýt, bưởi Da xanh đã cho vợ chồng ông có cuộc sống khá sung túc và còn có của ăn, của để phòng khi trái nắng, trở trời. Vụ cam, quýt năm nay, mảnh vườn quanh nhà sẽ mang về cho vợ chồng ông ít nhất là nửa tỷ đồng trở lên để bỏ thêm vào ngân hàng dưỡng già. Ông Đạt khẳng định với tôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại cuộc sống no ấm cho người nông dân Vĩnh Thành. Nằm ngay sát bên vườn cam nhà ông Đạt là vườn cam trĩu của gia đình ông Khôi Nguyên cũng đang vào độ chín. Ông Khôi Nguyên vui vẻ cho biết: Chẳng dấu gì anh, mỗi năm vườn, đồi nhà tôi cũng mang về ít nhất là tỷ đồng. Cả làng Vĩnh Thành có trên trăm hộ có đồi, vườn tạp đều đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây ăn quả. Trưởng thôn Vĩnh Thành, Hoàng Phong Thương, cho biết: Cả thôn có gần 200 hộ đã thực hiện cải tạo vườn, đồi tạp để trồng cây ăn quả. Sau gần 5 năm cải tạo, chuyển đổi vườn, đồi tạp; giờ đây, người dân Vĩnh Thành rất tự hào về cái tên gọi thân mật: Thôn toàn quả ngọt. Thế mạnh của Vĩnh Thành bây giờ là cam Sành, bưởi Da xanh, cam vàng, nhãn trái vụ. Mỗi năm, thu hoạch cam, quýt đã mang về cho Vĩnh Thành hàng trăm tỷ đồng. Nhờ trồng cây ăn quả mà Vĩnh Thành có cuộc sống khá giả, không còn nghèo. Cây ăn quả, có múi đã xua đi cái nghèo trong thôn chỉ sau vài năm chuyển đổi; Vĩnh Thành giờ là một làng quả ngọt, một làng kinh tế kiểu mẫu của Bắc Quang. Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Phúc, Hoàng Hải Chư, cho biết: Vĩnh Phúc đã cải tạo và chuyển đổi trên 1.002 ha diện tích vườn, đồi tạp để trồng cây ăn quả có múi chủ lực là cam, quýt. Bình quân, mỗi ha trồng cam, quýt cho thu từ 250 – 500 triệu đồng/năm. Nhiều vườn cam, đồi cam được chăm bón tốt có thể thu về hàng tỷ đồng/năm/ha. Đến nay, Vĩnh Phúc đã cải tạo và chuyển đổi toàn bộ diện tích đồi tạp, vườn tạp để trồng cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế rất cao và được huyện Bắc Quang đánh giá, xếp loại là xã có số nông dân đem tiền gửi ngân hàng nhiều nhất huyện.
Theo con đường 07, vượt qua dốc Than vào đến đầu làng Giàn Thượng, rồi qua Giàn Hạ của xã Tiên Kiều. Mùa này, về Tiên Kiều là cả một vùng quê trái ngọt. Trưởng thôn Giàn Thượng, Nguyễn Văn Hường, cho biết: Giàn Thượng có 155 hộ, trên 650 khẩu; xã có trên 350 ha cam. Đem chia bình quân cho mỗi khẩu thì từ già đến trẻ đang có trong tay trên 750 m2 đất trồng cam. Cả thôn Giàn Thượng hiện tại chỉ còn lại 24 ha lúa. Thế mạnh của Giàn Thượng là cam, quýt, bưởi đặc sản Da xanh, bưởi Diễn, bưởi Soi Hà,... hiện tại, tất cả diện tích đồi tạp, vườn tạp trong thôn đều đã được cải tạo, chuyển sang trồng cam, quýt. Chủ tịch UBND xã Tiên Kiều, Lý Văn Thắng, cho biết: Tiên Kiều hiện có gần 1.000 ha cây ăn quả có múi và là xã chuyển đổi, cải tạo vườn tạp, đồi tạp trồng cây ăn quả lớn nhất, nhì huyện Bắc Quang. Mỗi năm, Tiên Kiều cung cấp cho tiêu dùng khoảng 9.000 tấn quả ngọt chủ yếu là cam, quýt. Chuyển đổi vườn, đồi tạp trồng cam, quýt đã làm thay đổi cách làm, tư duy của người dân. Nhờ chuyển đổi, cải tạo vườn đồi mà nông dân Tiên Kiều có thu nhập cao đóng góp vào xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay. Bình quân mỗi ha cam, quýt đang cho thu hoạch mang về cho nhà nông hàng trăm triệu đồng, nhà nhiều thì thu hàng chục tỷ đồng/năm nhờ trồng cam. Cây cam, quýt đang là cây thế mạnh của các xã có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, như: Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo...
Bước đi cụ thể
Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu, cho thấy: Nhiệm kỳ đại hội vừa qua, Bắc Quang đã chuyển đổi trên 4.500 ha đồi, vườn tạp sang trồng cây ăn quả có múi. Hiện nay, Bắc Quang đang có trên 6.200 ha cây ăn quả có múi. Sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt trên 67.000 tấn, doanh thu ước đạt cả ngàn tỷ đồng. Khảo sát, đánh giá thực tiễn vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả có múi cho thấy rất rõ: Đại đa số người dân tại các vùng trồng cây ăn quả có múi đều có cuộc sống khá giả, có tích luỹ. Tổng kết thực tiễn, Bắc Quang xác định: Phát triển kinh tế trọng điểm 2020 – 2025 sẽ là “ Ổn định diện tích hiện có và tập trung nâng cao giá trị cây có múi”. Xác định vùng trồng cây có múi ổn định về diện tích tại 7 xã vùng Tây nam sông Chảy tại các xã: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Việt Hồng... Tiếp đó, kiện toàn và tổ chức thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng cây ăn quả có múi. Lấy HTX, tổ hợp tác làn nền tảng để đầu tư thâm canh sản xuất sạch, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tiêu dùng. Kết nối và hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiến đến, mời gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng nhà kho lạnh bảo quản sản phẩm để tránh mất mùa, tránh ùn, ứ gây thiệt hại không đáng có cho người trồng cam. Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả để tăng giá trị cho các sản phẩm, hỗ trợ sản xuất bền vững. UBND huyện Bắc Quang, chính quyền các xã vùng trọng điểm trồng cây ăn quả có múi sẽ dành nguồn lực thoả đáng để hỗ trợ nông dân xúc tiến tiêu thụ sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu khẳng định lại lần nữa.
Tín hiệu vui
Giá bán mỗi kg bưởi Da xanh hiện nay tại các nhà vườn ở Bắc Quang đang dao động từ 25 – 35 ngàn đồng/kg. Giá bán cam vàng chín sớm hiện tại cũng dao động từ 7 – 8 ngàn đồng/kg. Bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Hảo, Hoàng Văn Xuân, cho biết: Để tiêu thụ gần 9.500 tấn cam, quýt; đầu tháng 11, UBND xã sẽ đứng làm trung gian để một số doanh nghiệp, công ty vào ký kết hợp tác với bà con trồng cam tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Trung Hiếu, cho biết: Vào trung tuần tháng 11, UBND huyện sẽ trực tiếp mời lãnh đạo các siêu thị, công ty thương mại lớn trong cả nước về dự hội chợ cam và ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Khảo sát thị trường tiêu dùng hiện tại, người tiêu dùng cả nước đang ăn thêm cam, quýt, bưởi, hồng để tăng sức đề kháng trong mùa dịch và làm tăng thêm khả năng tiêu dùng của đại đa số người dân. Điều đó là tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu dùng cam, quýt trong vụ thu hoạch năm nay. Công tác chuyển đổi đồi, vườn tạp trồng cây ăn quả có múi ở Bắc Quang đã, đang kết trái ngọt lành.
Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG
Ý kiến bạn đọc