Tốt nghiệp ngành y làm giàu bằng nghề nông
BHG - Ngày ra trường, cầm tấm Bằng tốt nghiệp Trung cấp Y trên tay, anh Nguyễn Quang Trực, thôn Tân Tiến (xã Việt Vinh – Bắc Quang) trở về làm nông dân bên vườn cây lá khôi – loại cây mà bố anh đã dành nhiều tâm huyết thuần hóa. Và quyết định ngày ấy, hôm nay đã không làm anh thất vọng.
Anh Nguyễn Quang Trực (trái) kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây lá khôi. |
Anh Trực tâm sự: Năm 2011, tốt nghiệp chuyên ngành Y sỹ Đa khoa, Trường Trung cấp Y Hà Giang, mang theo hy vọng sẽ được khoác lên chiếc áo blu trắng tại một cơ sở y tế nào đó cho thỏa đam mê sau 2 năm đèn sách. Thế nhưng, tôi đã quyết định gác lại giấc mơ này. Lý do lúc ấy, gia đình tôi có một vườn cây lá khôi rộng hơn 1.000 m2, đây là vườn cây mà bố tôi đã dành tâm huyết thuần hóa từ rừng về vườn nhà hơn 10 năm qua và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hơn nữa, tôi lại là lao động chính; bố mẹ thì ngày càng già đi, khó có thể chăm sóc tốt vườn cây. Và tôi đã tự động viên mình, làm nghề gì cũng tốt, chỉ cần không trái đạo đức xã hội và được ở bên gia đình, người thân, được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình sống mới là điều đáng quý nhất.
Bắt tay vào công việc của một nông dân, với sức trẻ và tính cần cù, ham học hỏi, anh Trực bắt đầu phát triển và nhân rộng vườn cây khôi. Anh chia sẻ: Cây khôi là loại cây dược liệu, được biết đến với tác dụng chữa dạ dày, đau bụng, đại tràng… Cây ưa bóng mát, độ ẩm nhưng không ưa úng nước; kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản; ít sâu bệnh, phù hợp với trình độ của người nông dân. Cây khôi trồng được khoảng 1 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch khoảng 8 – 10 lần. Khi thu hoạch, do chỉ hái phần lá già phía dưới, còn giữ nguyên phần lá ở ngọn nên không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Từ năm 2011 đến nay, anh Trực đã nhân rộng diện tích trồng cây khôi lên hơn 4.000 m2, đồng thời đầu tư nhà ươm rộng khoảng 1.000 m2 để sản xuất trên 10.000 cây giống mỗi năm. Nhờ thực hiện thành công kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm cành và ươm hạt, không chỉ giúp anh chủ động được nguồn giống mà còn có thêm thu nhập từ bán cây giống. Hiện nay, lá khôi tươi dao động từ 30 – 35 nghìn đồng/kg, lá khô từ 190 – 210 nghìn đồng/kg; cây giống từ 10 – 13 nghìn đồng/cây. Anh Trực vui vẻ nói: Sản phẩm bán dễ dàng, giá ổn định, cung không đủ cầu chính là động lực giúp tôi duy trì, phát triển cây khôi; nhờ đó, tôi có thêm nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, tôi còn duy trì nuôi 7 con trâu sinh sản và trâu hàng hóa. Để có nguồn thức ăn cho trâu, tôi tận dụng quỹ đất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi. Nhờ thực hiện đúng việc tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nguồn thức ăn đảm bảo đã giúp đàn trâu khỏe mạnh, phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay, tôi xuất bán 2 con trâu, thu về gần 50 triệu đồng. Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì, chăm sóc tốt diện tích cây khôi và vườn ươm hiện có; đồng thời tập trung phát triển chăn nuôi trâu theo hướng gia trại…
Theo Bí thư Đảng ủy xã Việt Vinh, Hoàng Quang Hùng: Hiện nay, phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn xã đã có sức lan tỏa mạnh mẽ; họ có kiến thức, sự quyết tâm và mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Quang Trực về trồng cây lá khôi và nuôi trâu hàng hóa là một trong những mô hình tiêu biểu. Đối với mô hình trồng cây lá khôi, hiện nay trên địa bàn xã đã có một số hộ tham gia trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá. Đây đang là hướng đi mới về phát triển cây dược liệu, đồng thời sẽ là cơ sở để xã xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình cây lá khôi trong thời gian tới.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc