Quản Bạ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng

15:29, 06/11/2020

BHG - Để bảo vệ lá phổi xanh của Cao nguyên đá, thời gian qua, huyện Quản Bạ đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương và người dân triển khai nhiều biện pháp giữ rừng hiệu quả, trong đó có việc đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách, chế độ chi trả dịch vụ môi trường rừng; phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng (BVR). Từ đó, làm tốt công tác chăm sóc, BVR.

Cán bộ xã kiểm tra diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng của Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ.
Cán bộ xã kiểm tra diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng của Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ.

Về xã Quản Bạ, nơi có cộng đồng người Dao sống dựa vào rừng, trồng và khai thác hiệu quả các loại cây dược liệu quý dưới tán rừng. Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Thào Thái Tâm, cho biết: “Toàn xã có diện tích rừng tự nhiên hơn 2.400 ha, đất rừng lâm nghiệp trên 1.300 ha, thực hiện công tác chăm sóc, BVR, xã đã kiện toàn các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại các thôn, xây dựng kế hoạch phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền về công tác BVR và PCCCR trên địa bàn. Thông qua đó, công tác BVR hiệu quả, các vụ khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng giảm rõ rệt so với các năm trước. Đặc biệt, xã có Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm chuyên phát triển các sản phẩm dược liệu có sẵn tại địa phương nên người dân rất chú trọng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững”.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quản Bạ, Nguyễn Bá Ngọc, chia sẻ: Hiện, tỷ lệ độ che phủ rừng của Quản Bạ là 60%, để nâng cao ý thức của cộng đồng về công tác BVR, Hạt thường xuyên phối hợp với các ngành, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết trong công tác quản lý BVR, PCCCR cho 3.535 lượt người. Kiện toàn 14 Ban Chỉ huy PCCCR và 107 tổ, đội PCCCR tại các thôn, bản. Một trong những việc làm quan trọng trong công tác BVR ở huyện là huyện và các địa phương giám sát, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng.

Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch tập huấn và mời Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công an huyện mở các lớp truyền đạt các kỹ năng, kiến thức trong lĩnh vực lâm nghiệp cho các xã, thị trấn. Song song với việc tuyên truyền, các ngành chức năng cũng thường xuyên tuần tra, truy quét các hành vi khai thác lâm sản trái phép. Qua đó, đã phát hiện 5 vụ vi phạm với 4 đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền theo thẩm quyền 8 đối tượng, chuyển cấp có thẩm quyền phạt tiền 2 đối tượng. Tổng số tiền phạt trên 150 triệu đồng, tịch thu 0,315 m3 gỗ các loại. Bên cạnh đó, ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác quản lý các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã thông thường, sinh sản, sinh trưởng trong địa bàn huyện. Tổ chức họp giao ban các nhóm tuần tra Vọoc tại Trạm Kiểm lâm Tùng Vài để nắm tình hình diễn biến sinh trưởng của các quần thể Vọoc và loài Ngọc Lan. Phối hợp với tổ chức FFI xây dựng 20 bảng biển tuyên truyền ở 3 xã vùng dự án.

Dù nỗ lực giữ rừng, nhưng thực tế triển khai công tác này trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn như việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế, nguồn kinh phí eo hẹp; đa số đồng bào người dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ hiểu biết về pháp luật thấp nên hiệu quả tuyên truyền không cao. Công tác phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm còn hạn chế, một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Chính quyền cơ sở chưa thực sự làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng được tận gốc. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lực lượng cán bộ mỏng, công cụ hỗ trợ thô sơ vì vậy công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý luôn gặp thách thức...

Để quản lý BVR đi vào nền nếp hơn, huyện đã áp dụng nhiều biện pháp như đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là kiểm lâm địa bàn. Chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền quản lý BVR gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo cấp phát đầy đủ, sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, huyện phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện tăng cường bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm, qua đó thực hiện công tác bảo vệ rừng bền vững hơn.

Bài, ảnh: LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Phong Quang hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới

BHG - Nằm trong lộ trình về đích xã Nông thôn mới (NTM) năm 2020, đến nay, xã Phong Quang (Vị Xuyên) cơ bản hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM theo đúng lộ trình. 

30/10/2020
Sức trẻ khởi nghiệp trên dòng sông Lô

BHG - Xuất phát từ khát khao và nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn mong muốn biến những khó khăn thành cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương, đoàn viên Trần Tuấn Minh cùng một số người bạn mạnh dạn đầu tư thành lập HTX Huỳnh Minh phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Lô.

 

29/10/2020
Tùng Bá phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế

BHG - Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xây dựng Đảng là then chốt; những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu và vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

28/10/2020
Người dân Bản Ngò trồng chuối tiêu xanh

BHG - Bản Ngò là xã đang phấn đấu về đích Nông thôn mới trong năm 2020 của huyện Xín Mần. Trong các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới ở Bản Ngò, thu nhập của người dân là một trong nhưng tiêu chí khó thực hiện nhất. Để giúp bà con nơi đây tạo thêm thu nhập ổn định từ sản xuất, chăn nuôi; huyện đã đưa các dự án vào thực hiện như: Trồng Mướp đắng rừng...

28/10/2020