Mô hình cá - lúa - vịt
BHG - Bằng việc tận dụng diện tích ruộng sẵn có, mô hình cá – lúa – vịt đã mang lại lợi ích kép. Với việc giảm chi phí cho chăn nuôi, tiết kiệm diện tích và tận dụng được các thức ăn sẵn có từ đồng ruộng. Các sản phẩm cá, vịt nuôi theo phương thức tự nhiên có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/ kg, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo tính an toàn sinh học và là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn sử dụng thuốc trừ sâu và các thuốc phun khác cho cây lúa… Qua đó, tạo nên môi trường sản xuất an toàn, thân thiện và sinh thái trong chăn nuôi.
Chị Lý Thị Thịnh, thôn Bản Lầng, xã Yên Phong (Bắc Mê) thu hoạch cá Chép. |
Chị Lý Thị Thịnh, thôn Bản Lầng, xã Yên Phong (Bắc Mê) cho biết: “Gia đình đã xây dựng và triển khai mô hình được 6 năm. Giống cá lựa chọn nuôi là cá Chép địa phương, bởi đặc tính dễ nuôi, kích thước vừa phải; đồng thời nuôi vịt cổ ngắn và trồng các giống lúa mới có sức chống chịu bệnh tốt, cho năng xuất cao. Qua đó, mỗi vụ, gia đình không chỉ thu về lúa mà còn có thêm nguồn thu nhập 8 – 9 triệu đồng/ha ruộng từ việc bán cá, vịt. Đồng thời ruộng lúa cũng ít sâu bệnh và giảm được tiền mua các loại thuốc phun cho cây lúa…”.
Anh Nông Văn Quyết, người dân thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong cho biết: “Việc nuôi cá được tiến hành sau khi lúa bắt đầu cứng dễ, khi đó ruộng có nhiều nước, nhiều loài phù du và không ảnh hưởng đến sự phát triển cây lúa. Vịt sẽ được thả ở khâu làm đất và khi cây lúa đã lên cao, ruộng vừa gặt xong… với cách làm trên mang lại rất nhiều lợi ích, ruộng với các nguồn thức ăn như: Ốc, động vật phù du, sâu cùng nhiều hàm lượng phân bón… cho nên khi thả vịt, cá vào những thời điểm thích hợp sẽ giúp người dân bắt các loài gây bệnh cho cây lúa, đồng thời đây lại là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho vịt, cá. Qua đó, cách nuôi trên được xem là giải pháp hữu ích, an toàn cho nhà nông”.
Cùng với việc mang lại giá trị kinh tế, việc nuôi cá ruộng còn được người dân vùng cao coi là một văn hóa tín gưỡng với việc tổ chức Tết cá vào mùng 9.9 âm lịch hàng năm tại xã Mậu Duệ (Yên Minh) với các hoạt động, như: lễ hội đua cá; bắt cá và làm ra các món ăn hấp dẫn từ cá ruộng… Cứ đến ngày diễn ra lễ hội, người dân lại háo hức, tuyển chọn những con cá to, khỏe mạnh phục vụ cho hội thi, cùng với đó là trổ tài làm các món ăn mang đặc trưng vùng miền. Bên cạnh đó, lễ hội là hoạt động tín ngưỡng nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, cho một mùa màng bội thu.
Tuy nhiên, do việc thực hiện mô hình đòi hỏi nhiều công phu nên theo đồng chí Đỗ Nguyễn Quyết, Phó trưởng Phòng NN-PTNT Bắc Mê, cho biết: “Việc triển khai và nhân rộng mô hình Cá – lúa – vịt là rất khó, bởi mô hình mang tính đặc thù và đòi hỏi nhiều công. Trong khi đó, việc sử dụng các loại thuốc hóa học giúp người dân mất ít công hơn. Nhưng với những hiệu quả và giá trị mà mô hình mang lại, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích người dân trong việc chăn nuôi và trồng trọt theo hướng an toàn sinh học…”.
Những sản phẩm thân thiện với môi trường và mang tính an toàn sinh học cao luôn được người dân đón nhận. Bởi vậy, việc duy trì và nhân rộng mô hình Cá – lúa – vịt là rất cần thiết, vừa giúp bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại sản phẩm an toàn và giàu chất dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc