Bắc Quang thúc đẩy phát triển rừng bền vững

15:20, 06/11/2020

BHG - Báo cáo của UBND huyện Bắc Quang cho thấy: Huyện hiện có trên 8.000 ha rừng trồng qua các năm; số diện tích rừng trồng đã được cấp Chứng chỉ đạt FSC là khoảng 4.500 ha. Hiện, người dân các địa phương đang chăm sóc trên 818 ha rừng từ năm 2 đến năm thứ tư và đang thực hiện bảo vệ 44.598 ha rừng phòng hộ; khoanh nuôi 1.496 ha rừng tái sinh. Phát triển kinh tế rừng bền vững đã, đang là câu hỏi đặt ra cho tất cả các cấp, ngành trong giai đoạn hiện nay.

Sản xuất gỗ, ván ở Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hoàng.
Sản xuất gỗ, ván ở Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hoàng.

Tổng hợp kết quả khai thác lâm sản trên địa bàn huyện Bắc Quang cho thấy: Mỗi năm, toàn huyện khai thác khoảng 75.000 – 80.000 m3 gỗ từ rừng trồng; sản lượng thu hoạch gỗ trên tạo nhiều việc làm cho người lao động trực tiếp tại cơ sở. Cũng nhờ sản lượng gỗ khai thác trên, đã tạo điều kiện cho các cơ sở, nhà máy chế biến, gia công, xuất khẩu gỗ đứng chân trên địa bàn. Tuy nhiên, báo cáo của UBND huyện cũng chỉ ra hiệu quả kinh tế của người dân trồng rừng còn những bất cập, cụ thể: Bình quân mỗi ha rừng trồng sau ít nhất 6 năm mới thu được khoảng 75 – 80 m3. Giá bán bình quân khoảng 700 - 1.200.000 đồng/m3; tổng thu của mỗi ha rừng trồng sau 6 năm được khoảng 75 – 90 triệu đồng/ha. Công của người trồng rừng bình quân mỗi năm thu được khoảng 10,5 triệu đồng/ha (chưa trừ chi phí đầu tư). Với mức thu nhập bình quân trên, thì hiệu quả kinh tế rừng của người dân trực tiếp làm ra là rất thấp, chưa đủ bù đắp chi phí để tái đầu tư. Và đương nhiên, người dân làm rừng không có tích luỹ. Dẫn đến, đời sống của phần đông người dân gắn với rừng vẫn còn gặp  nhiều khó khăn, tỷ lệ người dân trồng rừng thoát nghèo chậm, nguy cơ tái nghèo luôn hiện hữu. Điều đó cũng có nghĩa, không ít nơi, người dân đã bất chấp những quy định của pháp luật để xâm phạm khai thác gỗ rừng tự nhiên hoặc rừng đang, đã được khoanh nuôi, bảo vệ; gây ra nhiều hệ luỵ không đáng có.

Về chiều ngược lại, tại địa bàn huyện Bắc Quang hiện đang có 1 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu nằm tại Cụm công nghiệp Nam Quang thuộc Công ty TNHH Thái Hoàng. Nhà máy này có công suất thiết kế sản xuất 12.000 m3 gỗ ván ép xuất khẩu/năm. Điều đó cũng tương đương mỗi năm, nhà máy cần khoảng 35.000 – 45.000 m3 gỗ nguyên liệu, chiếm trên một nửa sản lượng gỗ thu hoạch được trong mỗi năm; khảo sát tại nhà máy cho thấy: Giá bán 1 m3 gỗ ván ép xuất khẩu hiện nay khoảng 10 triệu đồng. Giá bán 1 m3 gỗ trên tương đương với giá trị thu được của người trồng rừng đầu tắt, mặt tối trong vòng 1 năm. Tại hàng chục cơ sở thu mua, chế biến ván bóc xuất khẩu thô sang thị trường Trung Quốc cũng cho thấy; mỗi m3 xuất thô nguyên liệu qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ có giá bán bình quân 2,5 triệu đồng/m3, bằng 1/4 thu nhập của người trồng rừng/năm miệt mài lao động. 

Thực tiễn xuất khẩu gỗ hiện nay, cho thấy: Các nhà máy, công ty xuất khẩu được gỗ, ván ép sang thị trường của các nước; nhất là xuất khẩu sang Âu – Mỹ, Nhật Bản thuận lợi là nhờ sản lượng gỗ trồng ở Bắc Quang đã được xác định có nguồn gốc rõ ràng. Chứng chỉ trồng rừng FSC được người dân thực hiện đã, đang là “Giấy phép thông hành” để cho các nhà máy, doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn sản xuất, kinh doanh bước chân vào các nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu được sản phẩm gỗ hiện đang được hưởng lợi từ người dân trồng rừng. Ngược lại, chính người dân trồng rừng lại đang gặp khó khăn về giá trị trồng rừng của họ mang lại còn thấp vì chưa được các nhà máy, doanh nghiệp chia sẻ, hoặc trả lại cho họ quyền lợi mà họ được hưởng từ FSC. Phía nhà máy, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu dù có vô tình hay cố ý thì họ đang trục lợi ích từ Chứng chỉ FSC trên tay người trồng rừng kinh tế, trục lợi chính sách của Nhà nước. Đây là một nghịch lý thiếu công bằng về lợi ích giữa người sản xuất và người kinh doanh trong ngành kinh tế rừng hiện nay không chỉ tại địa bàn huyện Bắc Quang… Đặt câu hỏi, các nhà máy, doanh nghiệp phải trả lại số tiền họ đang hưởng lợi từ Chứng chỉ FSC cho người dân mới đúng? Và câu trả lời từ phía các doanh nghiệp là, chưa cơ quan nhà nước nào đưa ra quy định bắt buộc họ phải trả tại địa bàn nhà máy của họ đang hoạt động? Có nghĩa, chúng ta đang thiếu quy định về cơ chế để cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ, ván trên địa bàn tỉnh để họ thực hiện trả lại lợi nhuận Chứng chỉ FSC cho người trồng rừng...

Chúng tôi hỏi về vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế rừng bền vững tại địa bàn huyện Bắc Quang, lãnh đạo huyện cho biết: Tất cả các doanh nghiệp, nhà máy chế biến, xuất khẩu gỗ trên địa bàn Bắc Quang đang được hưởng lợi trực tiếp từ Chứng chỉ trồng rừng FSC của người trồng rừng tại Bắc Quang và cho đây là nghịch lý để các cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh về cơ chế thu mua gỗ rừng trồng để trả lại sự công bằng cho người trồng rừng theo đúng quy định pháp luật. Trả lại quyền lợi, sự công bằng cho cả người trồng rừng và người kinh doanh rừng cũng là chìa khoá để thúc đẩy phát triển rừng bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Phong Quang hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới

BHG - Nằm trong lộ trình về đích xã Nông thôn mới (NTM) năm 2020, đến nay, xã Phong Quang (Vị Xuyên) cơ bản hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM theo đúng lộ trình. 

30/10/2020
Sức trẻ khởi nghiệp trên dòng sông Lô

BHG - Xuất phát từ khát khao và nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn mong muốn biến những khó khăn thành cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương, đoàn viên Trần Tuấn Minh cùng một số người bạn mạnh dạn đầu tư thành lập HTX Huỳnh Minh phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Lô.

 

29/10/2020
Tùng Bá phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế

BHG - Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xây dựng Đảng là then chốt; những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu và vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

28/10/2020
Người dân Bản Ngò trồng chuối tiêu xanh

BHG - Bản Ngò là xã đang phấn đấu về đích Nông thôn mới trong năm 2020 của huyện Xín Mần. Trong các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới ở Bản Ngò, thu nhập của người dân là một trong nhưng tiêu chí khó thực hiện nhất. Để giúp bà con nơi đây tạo thêm thu nhập ổn định từ sản xuất, chăn nuôi; huyện đã đưa các dự án vào thực hiện như: Trồng Mướp đắng rừng...

28/10/2020