Phấn đấu xây dựng Bắc Mê thành huyện phát triển về nông nghiệp hàng hóa, dịch vụ và du lịch

15:10, 11/08/2020

BHG - Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhưng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Bắc Mê đã nỗ lực phấn đấu, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo sự đột phá trong phát triển KT-XH và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Trung tâm thị trấn Yên Phú.
Trung tâm thị trấn Yên Phú.

Khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh

Trước đây, địa hình Bắc Mê bị chia cắt, dân cư phân tán cũng như còn nhiều tập tục lạc hậu trong canh tác, sản xuất, sinh hoạt,... đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển KT-XH của địa phương. Thực hiện nhiệm vụ đột phá về nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất cho nông dân được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; tư tưởng bằng lòng, trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong nhân dân dần được khắc phục; người dân đã chủ động đầu tư và tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện đầu tư có thu hồi, đưa giống mới, giống tốt vào sản xuất. Điển hình là đưa giống lúa Việt lai 20 thế hệ mới và J02 có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất với quy mô trên 1.100 ha; thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, chuyển đổi khung thời vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng từ 2 vụ lên 3 vụ/năm ở những nơi chủ động nước; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của 28 tổ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, hình thành được 28 cánh đồng mẫu lúa, ngô gắn với thực hiện “4 có, 5 cùng”, đảm bảo diện tích cây trồng hàng năm và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Các đột phá và chương trình trọng tâm về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được ưu tiên nguồn lực thực hiện và tạo ra nhiều đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo đó, giá trị sản xuất đạt 1.052,8 tỷ đồng, đạt 100% nghị quyết (NQ); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,5%.

Mặt khác, Bắc Mê triển khai xây dựng 6 xã và 43 thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng mỗi xã một sản phẩm chủ lực; một số mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị đạt được kết quả tốt; từng bước khẳng định được hiệu quả. Qua đó, đã hình thành một số sản phẩm đặc trưng của huyện và có 5 sản phẩm từ tinh bột nghệ, rượu ngô men lá, tinh dầu hồi được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP...

Trên thực tế, huyện luôn xác định sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, Bắc Mê đã triển khai nhiều chương trình, dự án; đồng thời áp dụng, vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp; nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện trong 5 năm qua luôn đạt cao. Tính đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng cây hàng năm đạt 53,24 triệu đồng, tăng 10,54 triệu đồng so với năm 2015, đạt 106,5% mục tiêu NQ; tổng sản lượng lương thực có hạt (lúa, ngô) đạt 3,45 vạn tấn, tăng trên 3.500 tấn so với năm 2015, đạt 106% mục tiêu NQ, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn…

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng công vụ cũng được xác định là khâu đột phá quan trọng và được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả khá nổi bật. Mạng thông tin diện rộng của Đảng được kết nối đến chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Đảng ủy các xã, thị trấn; góp phần cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, đoàn thể. Đầu tư, nâng cấp các phòng họp trực tuyến của huyện và 13 xã, thị trấn; một số cơ quan, đơn vị lắp đặt và sử dụng hệ thống trực tuyến theo ngành dọc. 100% cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống quản lý, điều hành Vnptioffice; cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp tài khoản sử dụng thư công vụ (gov); tổ chức, cá nhân thuộc diện đều được cấp chứng thư số và thực hiện tốt việc ký số.

Tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân

Bước vào chặng đường mới với nhiều cơ hội và thử thách, Đảng bộ huyện Bắc Mê luôn xác định quan điểm hành động vì Đảng, vì dân. Phát huy dân chủ, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng và tạo được sự đồng thuận trong dân; đồng thời, năng động tìm giải pháp, kiên trì tháo gỡ khó khăn, rào cản để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Mạnh dạn đảm nhận những việc mới, việc khó và xác định khâu đột phá, trọng tâm để tập trung tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, cụ thể: Đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông và đột phá trong thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch và dịch vụ. Để thực hiện tốt 2 nội dung đột phá này, huyện xác định cần phối hợp tốt với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh; đề xuất với cấp trên thực hiện đầu tư nâng cấp Quốc lộ 34, 280, tỉnh lộ 176B và tuyến đường đi trung tâm các xã. Ưu tiên lồng ghép các nguồn kinh phí thực hiện cứng hóa 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn; nâng cấp, mở mới các tuyến đường kết nối với các địa bàn giáp ranh, kết nối phát triển vùng, kết nối với các thôn, cụm dân cư bị chia cắt, nhất là các thôn vùng đặc biệt khó khăn với phương châm đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực của các tổ chức và sự đóng góp của nhân dân.

Tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, hang động, văn hóa truyền thống các dân tộc và con người Bắc Mê; các cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi khi triển khai đầu tư vào địa bàn huyện, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, một đầu mối để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; đồng thời quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối các vùng sản xuất, chăn nuôi, các khu du lịch, nghỉ dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, dịch vụ, du lịch theo hướng chuyên nghiệp.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của người dân và đạt mức ngang hoặc khá hơn so với bình quân chung của toàn tỉnh; bên cạnh việc kế thừa những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, BCH Đảng bộ huyện đã xác định mục tiêu cho giai đoạn năm 2020-2025. Theo đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy dân chủ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Phấn đấu xây dựng Bắc Mê đến năm 2025 là huyện phát triển nông nghiệp hàng hóa, dịch vụ và du lịch; đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo và đến năm 2045 là huyện phát triển khá của tỉnh.

Củng Thị Mẩy Chủ tịch UBND huyện


Cùng chuyên mục

Tiền đề để Bắc Mê bứt phá

BHG - Nằm trong những huyện 30A của tỉnh, bằng những nỗ lực, giải pháp khắc phục khó khăn, huyện Bắc Mê đã đi lên và hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 với những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực KT – XH và điều đó trở thành nền tảng giúp huyện đưa ra các mục tiêu, nội dung bứt phá cho nhiệm kỳ mới.

 

11/08/2020
Quyết tâm đưa Xín Mần sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

BHG - Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Xín Mần quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sớm đưa huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Hoàng Nhị Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Xín Mần.

 

10/08/2020
Nối dài những con đường Nông thôn mới

BHG - Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Xín Mần đã phát huy hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư; trong đó, những tuyến đường bê tông liên xã, liên thôn được nối dài, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của địa phương.

 

10/08/2020
Chữa "bệnh" trông chờ, ỷ lại ở Quản Bạ

BHG - Sau một nhiệm kỳ, huyện Quản Bạ đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về phát triển KT-XH; đặc biệt, thay đổi lớn trong đời sống người dân đã dần thoát khỏi "bệnh" trông chờ, ỷ lại. Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, nhiều mô hình  được triển khai nhân rộng, đời sống bà con có sự chuyển biến rõ rệt.

 

10/08/2020