Động lực trong sản xuất, kinh doanh ở Du Già
BHG - Xã Du Già được xem như trung tâm các xã phía Nam của huyện Yên Minh, với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái. Tận dụng lợi thế đó, cùng những chính sách khuyến khích của tỉnh, người dân Du Già đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Chi nhánh Yên Minh (Agribank Yên Minh) để phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa và các dịch vụ thương mại, du lịch.
Lãnh đạo xã Du Già kiểm tra mô hình nuôi lợn của người dân thôn Làng Khác A. |
Trong giai đoạn 2015 – 2020, xã Du Già đã giảm được 533 hộ nghèo, đạt trên 320% chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ xã đề ra; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn trên 37% và đã có 2% số hộ thuộc diện khá, giàu. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 20 triệu đồng/năm. Đây là những kết quả đáng mừng đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Du Già. Để có được kết quả trên là nhờ sản xuất, chăn nuôi và lĩnh vực du lịch, dịch vụ phát triển đột phá. Đây cũng là hai thế mạnh lớn nhất trong phát triển KT – XH của xã và đang được tiếp thêm sinh khí từ nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn huyện, trong đó có Agribank Yên Minh.
Theo thống kê, tổng đàn gia súc của xã Du Già hiện có trên 9.600 con, đạt trên 105 Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020; trong đó đàn trâu, bò trên 3.100 con. Khu vực trung tâm xã, các hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng sôi động với trên 50 hộ kinh doanh cố định; duy trì họp chợ phiên 1 lần/tuần với trên 100 điểm bán hàng; chợ gia súc duy trì trên 70 con trâu, bò được đưa ra trao đổi, buôn bán. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà nghỉ, homestay, nhà hàng… đang phát triển nhanh, nhất là dịch vụ lưu trú phục vụ du khách. Hiện tại, trên địa bàn xã có gần 20 cơ sở kinh doanh lưu trú. Mỗi năm xã đón trên 36.500 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 3,7 tỷ đồng/năm.
Trước những lợi thế trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hàng hóa, cũng như lĩnh vực du lịch, nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Như gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Cốc Pảng, vay 350 triệu đồng từ Agirbank Yên Minh để sửa chữa nhà, mở dịch vụ lưu trú homestay và kinh doanh dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau hơn 1 năm sử dụng vốn vay, đã giúp gia đình cho thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng/tháng trong mùa du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại tại địa phương. Hay như gia đình anh Ly Mí Nô, thôn Giàng Trù C, vay 90 triệu đồng từ Agribank theo chính sách Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để mua 4 con bò. Chỉ sau 2 năm, đàn gia súc của anh Nô đã phát triển thêm 3 con, thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.
Phó Chủ tịch UBND xã Du Già, Nguyễn Văn Quý cho biết: Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, toàn xã có 45 hộ vay vốn từ Agribank Yên Minh để phát triển chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ, với tổng số vốn trên 3,3 tỷ đồng. Qua đó các hộ đã mua được 116 con trâu, bò, trên 100 con lợn, 330 tổ ong và mở được một số cửa hàng, nhà hàng, cơ sở lưu trú. Với điều kiện KT – XH của xã hiện tại và nội lực của các hộ dân, nguồn vốn tín dụng từ Agribank Yên Minh đã tiếp thêm động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các hộ nói riêng, trên địa bàn xã nói chung, góp phần giúp địa phương hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong 5 năm qua.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc