Phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao ở Na Khê
BHG - Với khí hậu, đất đai phù hợp cho một số loại cây trồng và đem lại hiệu quả về kinh tế; những năm gần đây, xã Na Khê (Yên Minh) đã tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô, lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Hồng không hạt, dưa hấu, chuối Tiêu hồng…
Chuối Tiêu hồng mang lại thu nhập cao cho người dân thôn Séo Hồ, xã Na Khê. |
Hồng không hạt là loại cây ăn quả lâu năm, được người dân Na Khê trồng trong nhiều năm qua và được xác định là một trong những loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Do vậy, nhiều hộ trong xã đã phát triển và mở rộng diện tích trồng Hồng không hạt nhằm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Hồng không hạt Na Khê; nhờ đó, thương hiệu Hồng không hạt nơi đây được nhiều người biết đến. Hiện, diện tích Hồng không hạt toàn xã có trên 100 ha; trong đó, thôn Thèn Phùng có trên 60 ha. Theo chân cán bộ xã đến thăm gia đình chị Lù Thị Sắm, thôn Thèn Phùng, là một trong những hộ thoát nghèo nhờ chính cây Hồng không hạt, chị Sắm chia sẻ: “5 năm trước, khi cây Hồng không hạt ở Na Khê chưa có thương hiệu, gia đình tôi sinh sống chủ yếu dựa vào mấy thửa ruộng nhỏ cùng với cây ngô; có năm mất mùa còn không đủ ăn. Từ khi Hồng không hạt Na Khê được nhiều người biết đến, với lợi thế gia đình có những cây hồng được trồng lâu năm đã cho thu hoạch; nên hàng năm, thu nhập từ bán quả cũng được từ 20-30 triệu đồng, thậm chí năm nào được mùa, được giá, thu nhập sẽ cao hơn”.
Hồng không hạt là cây trồng chủ lực của xã Na Khê. |
Ngoài Hồng không hạt, hiện xã cũng đang đẩy mạnh vận động người dân tiếp tục mở rộng diện tích dưa hấu và chuối Tiêu hồng. Cây chuối Tiêu hồng là cây trồng mới được đưa vào trồng vài năm nay, nên diện tích còn ít; tuy nhiên, về hiệu quả kinh tế, cây chuối Tiêu hồng bước đầu cũng cho người dân nơi đây nguồn thu nhập khá tốt; hiện, thôn Séo Hồ có 33 hộ thì có tới 20 hộ trồng chuối. Anh Vàng Khái Rèn, một trong những hộ trồng chuối hơn 5 năm nay với diện tích nhiều nhất, nhì trong thôn, chia sẻ: “Mấy năm trước đi lao động làm vườn ở bên Trung Quốc nên cũng có ít kinh nghiệm, sau khi trở về địa phương, tôi đầu tư vào trồng chuối; bởi chuối là loại cây ăn quả dễ tính. Mỗi năm chỉ phải bón phân một lần, thỉnh thoảng phát cỏ, cắt lá già và tỉa bớt cây con... Đến nay, tôi đã mở rộng diện tích trồng chuối lên gần 3 ha; mỗi năm, thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng.
Đồng chí Giàng Mí Phứ, Chủ tịch UBND xã Na Khê, cho biết: Những năm gần đây, ngoài cây ngô, người dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi cây trồng nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; đồng thời, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu cũng như đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ đó, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất manh mún của người dân; đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chỉ tính trong trong quý I năm nay, ngoài diện tích 33 ha ngô Xuân, toàn xã đã trồng được 4 ha Hồng không hạt, 21 ha dưa hấu, 18 ha chuối Tiêu hồng, 8,2 ha lạc, 4,5 ha nghệ, 3,2 ha gừng và 13 ha cây dược liệu... Đến nay, các loại cây trồng đều sinh trưởng tốt; với sự năng động, chủ động và đa dạng hóa các loại cây trồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; hiện, thu nhập bình quân của xã đạt 23,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,68%...
Thời gian tới, xã Na Khê tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc