Nông dân Hoàng Su Phì thi đua làm giàu bền vững
BHG - Với suy nghĩ: “Một mình làm giàu chưa đủ, mà cả thôn, cả xã giúp đỡ nhau cùng làm giàu”, những người nông dân huyện Hoàng Su Phì đã thay đổi tư duy sản xuất, chủ động thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm; cùng nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
![]() |
Nông dân thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán chế biến chè. |
Là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2017 – 2019 của huyện; anh Triệu Mềnh Kinh, dân tộc Dao, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là một trong những điển hình của việc nông dân cùng giúp nhau vượt khó, vươn lên làm giàu. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của thôn, vài năm trước, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ homestay. Năm 2011, anh đứng ra thành lập HTX Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng và vận động 100% các hộ trong thôn cùng tham gia. Ngoài sắp xếp, bố trí khách đến nghỉ tại các hộ, HTX còn đứng ra điều tiết các thành viên làm xe ôm đưa đón du khách hoặc làm hướng dẫn viên, nấu ăn và thành lập Đội văn nghệ thôn để biểu diễn phục vụ du khách. Với cách làm như vậy, tất cả các thành viên của HTX đều được tham gia làm du lịch và có nguồn thu ổn định từ du lịch cộng đồng. Ngoài 6 hộ làm dịch vụ homestay, các gia đình khác trong thôn cũng có nguồn thu từ 30 – 40 triệu đồng/năm nhờ cách làm của HTX.
Với suy nghĩ liên kết lại để thúc đẩy sản xuất, xây dựng chu trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; những nông dân ở thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán đã liên kết lại thành lập Nhóm cùng sở thích sản xuất và chế biến chè. Được thành lập từ tháng 3.2018, các thành viên trong nhóm thường xuyên tổ chức họp để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thu hái, chế biến để đảm bảo sản phẩm chè đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Ban Quản lý Nhóm đã mua giống chè Shan tuyết trồng dặm vào những diện tích mất khoảnh, mua phân bón hữu cơ để cải tạo diện tích chè, mua chung hệ thống chế biến chè để sản xuất, chế biến chè thành phẩm. Khi đến thời gian thu hái và chế biến chè, Ban Quản lý Nhóm chủ động liên hệ với đại lý thu mua, tìm thị trường tiêu thụ để bán sản phẩm chung cho các thành viên. Với cách làm như vậy, đã giúp chè thành phẩm của nhóm được thu mua với giá cả ổn định, tránh tình trạng bị tư thương ép giá, giúp các hộ trồng chè có nguồn thu nhập ổn định từ 60 – 80 triệu đồng/năm.
Với 11.946 hội viên sinh hoạt tại 199 chi hội thôn, bản, tổ dân phố; những năm qua, hội viên nông dân trong toàn huyện đã tích cực giúp đỡ nhau vươn lên trong lao động, sản xuất cũng như trong cuộc sống. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được các cấp hội triển khai sâu rộng. Qua phong trào đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và liên kết giữa các hộ và giữa nông dân với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nông dân đã chủ động thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng làm giàu. Năm 2019, toàn huyện có 761 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cơ sở hội đã đăng ký hàng trăm mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đồng thời tích cực giúp đỡ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, đã có 2.513 lượt hội viên được vay vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 82 tỷ đồng. Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Lý Văn Tương cho biết.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc