Nông dân Quản Bạ chủ động kiểm soát sâu keo mùa thu
BHG - Thời gian qua, cùng với tập trung quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, dịch cúm gia cầm; huyện Quản Bạ đã tích cực chủ động nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh sâu keo mùa thu ở cây ngô.
Anh Lù Mí Phủng, Bí thư Chi bộ thôn Lố Thàng 1, xã Thái An kiểm tra sâu bệnh trên cây ngô. |
Đồng chí Mùng Xuân Huynh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ, cho biết: Để, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô và dịch hại trên các cây trồng khác; ngay từ đầu vụ Xuân, Phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản triển khai, thực hiện quyết liệt; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành lập 3 Tổ kiểm tra dịch bệnh sâu keo mùa thu và các dịch hại trên cây trồng tại các thôn, bản của 13/13 xã, thị trấn; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường bám nắm đồng ruộng, kiểm tra, theo dõi diễn biến dịch hại và hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, nhân dân huyện Quản Bạ đã gieo trồng được trên 5.000 ha cây ngô. Nhằm chủ động phòng, chống sâu hại trên cây ngô, đặc biệt là sâu keo mùa thu, lãnh đạo UBND huyện Quản Bạ cùng các tổ kiểm tra phối hợp với các xã, thị trấn trực tiếp xuống đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh ở cây ngô tại các thôn: Sang Phàng, Nà Sài, Thống nhất, xã Đông Hà và thôn Tùng Nùn, Lùng Tám Thấp, xã Lùng Tám. Phát hiện gần 2 ha diện tích cây ngô bị ảnh hưởng, tuổi cây trung bình từ 2-6 lá, sâu gây hại lác đác với mật độ thấp từ 1-1,5 con/m2, chưa đến ngưỡng phun thuốc. Các xã, thị trấn khác, cây ngô đang trong giai đoạn từ 1-7 lá và chưa thấy xuất hiện sâu keo gây hại. Do đó, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng trừ bằng biện pháp bắt diệt bằng tay và dùng thuốc sinh học.
Đến nay, toàn bộ diện tích ngô bị sâu keo gây hại tại các xã Đông Hà, Lùng Tám đã được khống chế, không có khả năng lan rộng. Hiện, cây ngô sinh trưởng tốt, được trên 9 lá, nhiều diện tích phun râu, trỗ cờ. Các xã, thị trấn khác, cây đang trong giai đoạn từ 3-8 lá và chưa xuất hiện sâu keo gây hại.
Đến xã Thái An, một trong những xã năm 2019 có nhiều giải pháp quyết liệt, huy động toàn dân, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp xuống đồng bắt sâu keo mùa thu. Toàn xã gieo trồng trên 420 ha diện tích ngô vụ Xuân, hiện, các hộ đã vun gốc ngô đợt 1, cây ngô phát triển được 5 lá... Đồng chí Vàng Vần Chính, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngay từ đầu năm, xã chỉ đạo 6 thôn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân làm đất, phơi đất để diệt ấu trùng, chọn giống có khả năng kháng bệnh hoặc chuyển đổi giống cây khác. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chủ động, tích cực của nhân dân trong khâu làm đất đến chuyển đổi giống cây trồng; đến nay, trên địa bàn xã chưa xuất hiện sâu keo mùa thu trên cây ngô hay các loại cây trồng khác...
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp từ huyện đến thôn, bản trong công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng, đặc biệt là sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô và hướng dẫn các biệp pháp phòng trừ,… đã tiêu diệt, khống chế được những diện tích bị ảnh hưởng. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm thiểu mức độ ảnh hưởng sâu keo mùa thu trên cây ngô và các loại cây trồng khác; giúp người dân nâng cao năng suất, tiếp tục yên tâm tăng gia sản xuất...
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc