Điện bừng sáng vùng quê nghèo Niêm Sơn
BHG - Giờ đây, ước muốn được thấy ánh sáng điện lưới, nấu cơm bằng nồi điện hay nghe tiếng máy xay xát,… đã không còn quá xa xỉ với người dân nhiều thôn khó khăn trên địa bàn xã Niêm Sơn (Mèo Vạc).
Gia đình anh Lầu Mí Sử, thôn Cá Thể Bản Tồng mua máy xay xát phục vụ đời sống. |
Xã Niêm Sơn cách trung tâm huyện Mèo Vạc 25 km; có địa hình phức tạp, giao thông đi lại từ trung tâm xã đến các thôn rất khó khăn; do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của người dân. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 50%, thu nhập bình quân đạt 18,2 triệu đồng/người/năm. Toàn xã mới có 10/12 thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia. Dân cư thưa thớt, phân bố không đều, địa hình phức tạp,… là những khó khăn trực tiếp đến tỷ lệ sử dụng điện của người dân. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, có 4/10 thôn hiện đang sử dụng điện lưới là do kinh phí tự đóng góp của người dân; đó là các thôn: Cá Thể Bản Tồng, Nà Giáo, Cốc Tổng, Khuổi Luông. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đơn vị điện lực; người dân 4 thôn trên đã chủ động họp bàn, thống nhất việc đóng góp kinh phí đầu tư cột, dây điện để kéo điện từ trạm biến áp về thôn. Hiện, ánh sáng điện lưới đã bừng lên nơi những sườn đồi vắng vẻ; tiếng máy xay xát, máy thái chuối, băm cỏ,… ngày càng rõ. Đặc biệt, người dân đã sử dụng điện để đun nấu, giảm đáng kể tình trạng chặt, phá rừng làm củi đun; cũng từ khi có điện, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay…
Vượt một đoạn dốc khá dài, khoảng chừng 2 km lên lưng chừng núi; chúng tôi đến thăm gia đình anh Lầu Mí Sử, thôn Cá Thể Bản Tồng. Đây là một trong 4 thôn đầu tiên của xã Niêm Sơn được người dân tự đóng góp tiền để kéo điện lưới về nhà. Anh Sử bộc bạch: Những năm trước, sử dụng ánh sáng đèn dầu, nấu ăn hoàn toàn bằng bếp củi,… là điều quen thuộc với chúng tôi. Song, người dân nơi này chưa bao giờ hết khao khát được sử dụng điện lưới… Nếu cứ chờ đợi Nhà nước đầu tư thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới được sử dụng điện. Do vậy, với tư cách là Bí thư chi bộ, tôi đã cùng các hộ dân trong thôn họp bàn, thống nhất đóng góp bình quân mỗi hộ trên 10 triệu đồng để kéo điện lưới về sử dụng. Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình tôi hiện đã sắm được ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện… Ngoài ra, tôi còn đầu tư máy xay xát, máy nghiền để phục vụ nhu cầu của người dân trong thôn. Cũng nhờ có điện, đã tạo hứng thú cho các con tôi học tập. Tôi có 2 người con, 1 cháu đang thực hiện nghĩa vụ công an và 1 vừa tốt nghiệp ngành sư phạm, hiện đã có việc làm ổn định…
Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích thiết thực mà giá trị của điện đem lại, song về lâu dài, hệ thống đường dây và cột điện do người dân một số thôn trong xã tự đầu tư lắp đặt hiện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Có thể thấy, với hệ thống cột điện chủ yếu bằng gỗ; qua thời gian, việc gãy, đổ là điều không tránh khỏi. Kéo theo đó là tình trạng dây điện bị đứt, phải chắp nối dẫn đến hao hụt điện năng; trong khi người dân vẫn phải trả tiền mua điện. Hơn nữa, cả thôn dùng chung một đường dây trục chính, khi vào giờ cao điểm nhiều người cùng sử dụng, sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người dân; nhất là đối với những hộ ở cuối nguồn, cách xa trạm biến áp. Đặc biệt, người dân ngày càng mua sắm thêm nhiều thiết bị điện, có thể làm quá tải đường dây; dẫn đến chập, cháy và gây hậu quả khó lường về người, tài sản.
Thực tế cho thấy, kể từ khi các thôn của xã Niêm Sơn tự đầu tư kinh phí kéo điện; đời sống vật chất, tinh thần cũng như nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự an toàn và phát triển bền vững; việc nâng cấp cột điện bê tông và đường dây tải điện tiếp tục là đề nghị của người dân nơi đây với mong muốn nhận được sự lưu tâm từ các ngành chức năng.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc