Yên Hà phát triển các mô hình kinh tế mới
BHG - Những năm gần đây, với các chính sách và chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân xã Yên Hà (Quang Bình) đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn, tích cực phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu với nhiều mô hình mới.
Mô hình nuôi dế thương phẩm của ông Đinh Xuân Ngoạn, thôn Chàng Thẳm. |
Gia đình ông Đinh Xuân Ngoạn là một trong những hộ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tại thôn Chàng Thẳm. Hiện nay, gia đình ông sở hữu vườn cam Sành gần 2 ha; chăn nuôi đàn gia cầm gần 500 con và một ao cá khoảng 300 m2 thả cá Bỗng đặc sản… mỗi năm thu lãi trên 150 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngoạn cho hay: “Nếu chỉ tập trung phát triển một loại cây hay con thì chỉ có một nguồn thu mà giá cả thị trường lại không ổn định, nên gia đình tôi chọn hướng phát triển kinh tế tổng hợp; vừa trồng cam Sành vừa chăn nuôi gia cầm, thả cá Bỗng và mới đây nhất là thực hiện mô hình nuôi dế thương phẩm”.
Anh Nguyễn Xuân Tuế, thôn Tân Chàng khởi nghiệp từ nuôi Đà điểu. |
Tháng 7 vừa qua, ông Ngoạn đã mạnh dạn đầu tư hơn chục triệu đồng làm chuồng nuôi và mua 10 khay giống dế; đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với trang trại nuôi dế ở Thanh Xuân – Hà Nội với giá từ 130 – 150 nghìn đồng/kg dế thành phẩm. Ông Ngoạn cho biết thêm, dế nuôi ít dịch bệnh, công chăm sóc và chi phí thức ăn thấp mà lại cho thu nhập khá cao so với trồng lúa, ngô. Ông Ngoạn đầu tư làm hai chuồng nuôi dế khung bằng inox phủ bạt, trong chuồng xếp các khay bìa các – tông để dế sinh trưởng, làm tổ; khi dế đẻ trứng thì chuyển các khay trứng sang các thùng nhựa thả cát; sau khoảng thời gian từ 30 – 45 ngày sẽ thu hoạch dế thành phẩm, nuôi kéo dài thêm chục ngày, dế sẽ đẻ trứng. Trước khi thu hoạch dế thương phẩm, nên cho dế ăn mía khoảng 3 ngày hoặc bỏ đói 2 ngày để làm sạch ruột.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm; sau nhiều năm đi lao động ngoại tỉnh, anh Nguyễn Xuân Tuế trở về quê nhà tại thôn Tân Chàng, xã Yên Hà và lựa chọn mô hình nuôi Đà điểu. Được biết, anh Tuế đầu tư mua 8 con Đà điểu giống từ Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) về nuôi từ tháng 6.2019. Đến thời điểm hiện tại, cả 8 con có trọng lượng 25 - 30 kg/con. Đà điểu có sức sống rất khoẻ, ít bệnh tật và dễ nuôi, chuồng nuôi cần phủ một lớp cát dày 5 – 10 cm, khô ráo. Dự kiến nếu chăn nuôi tốt thì đến đầu năm tới, đà điểu sẽ đạt trọng lượng khoảng 100 - 120 kg/con và có thể xuất bán, giá bán thịt đà điểu trên thị trường dao động khoảng 120 – 150.000 đồng/kg.
Qua trao đổi, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hà, anh Lục Bát Duệ cho biết: Hiện nay, toàn xã có 36 mô hình phát triển kinh tế; hàng năm có thu nhập từ 150 - 500 triệu đồng/năm. Trong đó, có 15 mô hình chăn nuôi gia cầm từ 300 con trở lên; 10 mô hình trồng rừng từ 5 ha trở lên; 8 mô hình trồng cây ăn quả từ 3 ha trở lên và 3 mô hình khởi nghiệp hàng năm có thu nhập từ 150 - 500 triệu đồng/năm.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc