Giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo
BHG - Hoàng Su Phì là huyện có địa bàn rộng, với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; nhiều xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc (CSDT); tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có thêm điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên ổn định đời sống, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Gia đình anh Súng Sào Dìn, dân tộc Phù Lá, xã Bản Máy thu hoạch đậu tương. |
Để triển khai thực hiện tốt các CSDT, hàng năm, Phòng Dân tộc huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện và phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình, CSDT theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản, hộ gia đình với nhiều hình thức đa dạng như: Treo pano, khẩu hiệu, phát tờ rơi, qua phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn nghệ, tổ chức các buổi đối thoại về chính sách… Đồng thời, xây dựng các nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để người dân hiểu rõ hơn các nội dung truyền tải. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức cũng như khuyến khích người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; đẩy mạnh phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế.
Huyện còn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS vươn lên như: Tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ phát triển sản xuất; xây dựng mô hình kinh tế tiêu biểu tại vùng đặc biệt khó khăn để người dân tham quan học tập; nâng cao năng lực cho cán bộ là người DTTS; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm tạo động lực để thúc đẩy phát triển KT – XH…
Trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện trên 118 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã thực hiện nâng cấp, cải tạo, xây mới 65 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, nhà văn hóa, chợ; duy tu, bảo dưỡng 8 công trình xuống cấp. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất 14 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, vật nuôi, xây dựng chuồng trại cho 19.175 hộ nghèo; nhân rộng 4 mô hình giảm nghèo tại các xã Nậm Ty, Túng Sán, Nậm Dịch, Hồ Thầu với kinh phí 1,2 tỷ đồng; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh mở 25 lớp đào tạo tập huấn cho 1.928 lượt người.
Với Chương trình 30a, từ nguồn vốn hỗ trợ hơn 137 tỷ đồng, huyện đã nâng cấp, khởi công xây dựng 50 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, nhà văn hóa thôn; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế 15,4 tỷ đồng, chủ yếu tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và phát triển du lịch. Thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.570 lao động nông thôn, giúp người học tự tạo việc làm mới hoặc tăng năng suất lao động, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với tổng kinh phí 708 triệu đồng.
Các CSDT và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Đảng, Nhà nước là cơ sở vững chắc và lâu dài để đồng bào DTTS vươn lên tự chủ, đẩy mạnh phát triển KT – XH, từng bước ổn định đời sống. Trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn huyện có 3.250 hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện đạt 6,07%/năm. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn; chính sách cấp phát báo, tạp chí mang đến cho đồng bào các thông tin mới về khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, khởi nghiệp làm giàu, xây dựng NTM. Trưởng phòng Dân tộc huyện, Lèng Seo Seng cho biết: Cùng với việc đầu tư nguồn lực hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, huyện tập trung tác động để khuyến khích, phát huy nội lực, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của các hộ DTTS, tránh việc “làm hộ, làm thay” khiến người dân trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ. Chuyển từ phương thức hỗ trợ cho không sang đầu tư có điều kiện, có thu hồi để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của các chương trình, dự án. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào xóa bỏ các hủ tục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, làm động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc