Đồng Văn xây dựng Nông thôn mới từ nội lực người dân
BHG - Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở huyện Đồng Văn thời gian qua đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và chính người dân thông qua những chương trình, việc làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; đời sống tinh thần và vật chất của người dân ngày một được cải thiện; mức sống, hưởng thụ văn hóa giữa khu vực nông thôn và thành thị được rút ngắn.
Người dân thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn đóng góp ngày công, tiền của mở đường giao thông nông thôn |
Xác định chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chương trình phát triển toàn diện về xây dựng nông nghiệp - nông dân - nông thôn và được cụ thể hóa thành 19 tiêu chí; Nhà nước đóng vai trò định hướng đề ra cơ chế chính sách và hỗ trợ một phần vốn để thực hiện, huyện Đồng Văn đã tổ chức phát động nhiều đợt, các phong trào thi đua xây dựng NTM với quan điểm việc dễ làm trước, khó làm sau; kinh tế người dân có khá giả mới có điều kiện để đóng góp vào sự phát triển chung. Vì vậy trong phát triển kinh tế, huyện đặc biệt quan tâm tới việc vận động, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thực hiện những cánh đồng ngô mẫu, rau trái vụ tại vùng có điều kiện, nhân rộng gia trại chăn nuôi bò, dê, lợn tại các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Để làm được điều này, huyện chọn mỗi xã, thị trấn đến thôn, xóm làm một mô hình điểm; chọn cán bộ, đảng viên, hộ gia đình có điều kiện, kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất làm trước để người dân học tập từ đó làm theo, nhân ra diện rộng. Bằng cách làm này ở huyện Đồng Văn ngày một xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, phù hợp với điều kiện, khả năng của người dân, tiêu biểu phải kể đến như: Gia đình anh Sùng Mí Dế, thôn Tà Lá, xã Sính Lủng có thu nhập 130 triệu đồng/năm từ mô hình chăn nuôi tổng hợp và xay sát đá đóng gạch bi; anh Vừ Sáu Pó, xã Thài Phìn Tủng; Nguyễn Phong Hưởng ở thị trấn Đồng Văn; Sùng Mí Di xã Sà Phìn với mô hình nuôi ong nội cho thu nhập trên 150 triệu/năm; các HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô, Hà An, Thiên Hương, Hoa Đá, Bắc Nam, Phố Bảng; HTX toàn thôn Séo Lủng B xã Sảng Tủng, Tổ hợp tác thêu dệt, may mặc các xã Sà Phìn, Lũng Cú, Phố Cáo, thị trấn Phố Bảng… tạo công ăn việc làm, bao tiêu sản phẩm giúp người dân có thu nhập khá, ổn định, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện trung bình đạt 6%/năm; nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đến hết năm 2018 đạt 18 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng NTM, huyện Đồng Văn đã quán triệt, chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở dưới hình thức: Mọi chính sách, chủ trương hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đều được niêm yết công khai để người dân biết, trực tiếp tham gia ý kiến đóng góp, nhất là đối với các khoản thu phí, lệ phí, các khoản đóng góp của người dân. Khi huyện, xã, thị trấn có chủ trương mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa hay có chương trình hỗ trợ xi măng để người dân làm nhà vệ sinh, bó láng nền nhà đều được bàn và trực tiếp quyết định, qua đó tạo niềm tin, phát huy được nội lực, tinh thần chủ động trong nhân dân.
Chỉ tính riêng từ năm 2016 - 2019, cùng với nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ, người dân huyện Đồng Văn tham gia hiến 119.944 m2 đất; đóng góp 115.496 ngày công lao động để mở mới, nâng cấp nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn xóm. Thực hiện chỉnh trang khuôn viên gia đình, bó láng nền nhà được 4.602 hộ; xây dựng 3.705 nhà tắm, 6.462 nhà vệ sinh; cứng hóa, di dời chuồng trại 3.687 công trình; xây 12.505 bể nước sinh hoạt. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được cứng hóa; 38% đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; tỷ lệ đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa 32%...
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã tạo nên sự đổi thay rõ rệt ở vùng nông thôn của huyện từ tập quán canh tác, tổ chức sản xuất, thực hiện nếp sống văn hóa mới đến không ngừng nâng cao, cải thiện cuộc sống người dân, đặc biệt là về thu nhập. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của huyện vùng cao cực Bắc Tổ quốc. Vì vậy, trong thời gian tới huyện Đồng Văn tiếp tục nỗ lực thực hiện các tiêu chí chưa đạt, nâng cao các tiêu chí đã đạt; xây dựng hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển du lịch - dịch vụ; xây dựng NTM gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mang nét đặc trưng Đồng Văn.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc